Ngày 23/11, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự, xảy ra tại trường ISchool Nha Trang.
Trước đó, cơ quan điều tra đã đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở y tế tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin về vụ ngộ độc; bệnh nhân điều trị; để phục vụ công tác điều tra. Nhà chức trách cũng đề nghị các cơ sở y tế bảo quản tất cả mẫu máu của bệnh nhân, cung cấp hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu.
Theo Phòng Y tế TP Nha Trang, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường ISchool Nha Trang là hộ kinh doanh của ông Bùi Phúc Lam, 40 tuổi, ở phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Ông này cũng là chủ gian hàng giải khát ở trường ISchool Nha Trang.
Vụ việc xảy ra ngày 17/11, khi trường ISchool Nha Trang tổ chức ăn bán trú cho 930 học sinh, chia làm 2 suất trưa và xế. Cơm trưa có gà sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh (xương + cà rốt + cải thảo), dưa leo. Bữa xế có bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc của trường.
Sở Y tế Khánh Hòa xác định vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khoảng 22 giờ 30 ngày 17/11, đến nay có 662 học sinh và giáo viên của trường ISchool nhập viện do ngộ độc, trong đó có một học sinh lớp một tử vong.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, theo quy định pháp luật, trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này thuộc về ai?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Trong đó có trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Vì vậy, nếu xác định được người đã có lỗi để sự việc xảy ra, người có lỗi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ông Cường phân tích, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại sẽ phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cụ thể, Điều 585 Bộ luật Dân sự quy định quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thực tế phải kịp thời và toàn bộ.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế, bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Ngoài ra, ông Cường cho biết, Điều 590 Bộ luật dân sự quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Còn thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng…
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.