Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bị tử hình và tịch thu tài sản
Báo Dân Việt ngày 18/11 đã đăng bài: "Vụ "đất vàng" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Một thửa đất có nguồn gốc nhà, đất của cố LS Trịnh Đình Thảo". PV Dân Việt đã tiếp tục tìm hiểu vụ việc và xin gửi tới bạn đọc các thông tin chi tiết về vụ "đòi nhà" kéo dài hơn 40 năm của gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo.
Năm 1955, luật sư (LS) Trịnh Đình Thảo (Sn 1901) đã đứng đầu các phong trào ở Sài Gòn, yêu cầu thống nhất đất nước. Ông Thảo chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Năm 1965, trước sự truy bắt gắt gao của chính quyền Sài Gòn, nhằm giữ căn nhà 391 Sài Gòn – Độc Lập (mà ông Thảo đã mua đấu giá và đứng tên trên bằng khoán điền thổ từ năm 1932), ông Trịnh Đình Thảo đã cho vợ chồng ông bà Trương Hy – Âu Phụng Chí (tư sản mại bản) thuê lại căn nhà của mình.
Sau đó, ông Thảo thoát ly lên chiến khu, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam – Việt Nam). Ngày 20/4/1968, luật sư Trịnh Đình Thảo được bầu giữ chức Chủ tịch Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.
Gần 3 tháng sau – ngày 12/7/1968, Tòa án quân sự của chế độ Sài Gòn – MT/LĐ/V3CT ra Bản án 069 xét xử vắng mặt LS Trịnh Đình Thảo.
Bản án tuyên: "Trịnh Đình Thảo phạm tội: 1/Phản nghịch. 2/ Âm mưu hành động ngụy danh hòa bình và trung lập theo chủ trương của Cộng sản".
Tòa án nói trên đã tuyên án Tử hình ông Trịnh Đình Thảo và tịch thu toàn thể tài sản (trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn – Độc Lập , tức căn nhà, đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3, TP.HCM hiện nay).
3 thế hệ, hơn 40 năm vẫn chưa đòi lại được căn nhà
Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, từ chiến khu trở lại Sài Gòn, luật sư Trịnh Đình Thảo đã mong mỏi trở lại căn nhà thuộc sở hữu của ông từ năm 1932.
Khi đó, vợ chồng nhà tư sản Trương Hy đã bỏ ra nước ngoài, mặc dù căn nhà trên vẫn còn trong thời hạn cho thuê 12 năm (dự kiến đến năm 1977 hết hạn).
Với vào lý do nhà vắng chủ, do ông Trương Hy đã trốn ra nước ngoài (trên thực tế, ông Hy là người thuê, căn nhà là tài sản của luật sư Trịnh Đình Thảo), chính quyền TP.HCM lúc đó đã quản lý và sử dụng căn nhà trên.
Năm 1984, luật sư Trịnh Đình Thảo đã gửi đơn xin Nhà nước và UBND TP.HCM trả lại căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài, UBND TP vẫn cho rằng căn nhà trên là "tài sản tịch thu của ông Trương Hy – tư sản mại bản", "thuộc diện phải được cải tạo" theo Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ… Từ đó, chính quyền và cơ quan chức năng không chấp nhận trả lại căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho luật sư Trịnh Đình Thảo.
Suốt nhiều năm, từ năm 1984 trở về sau, tại rất nhiều văn bản trả lời đơn đòi nhà của luật sư Trịnh Đình Thảo (sau khi ông Thảo chết vào năm 1986, con ông Thảo là Trịnh Đình Trí và cháu nội Trịnh Đình Đức tiếp tục gửi đơn xin trả lại nhà), từ UBND TP.HCM đến Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, đều công nhận căn nhà có nguồn gốc do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng tên sở hữu chủ.
Nhưng, ngôi nhà vẫn mang tên người thuê là "tư sản mại bản" Trương Hy vào căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trên cơ sở đó, căn nhà phải bị "tịch thu" theo đúng Quyết định 111/CP ngay 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ.
Cần hủy bỏ Quyết định tịch thu căn nhà của cố LS Trịnh Đình Thảo
Nguyên nhân từ Quyết định số 1701/QĐ-UB ngày 19/12/1977 của UBND TP.HCM, về tịch thu tài sản của nhà tư sản mại bản Trương Hy, đối với căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Quyết định này đã áp dụng sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Bởi trên thực tế, chủ sở hữu căn nhà này là luật sư Trịnh Đình Thảo. Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn – Độc Lập, lập bộ ngay 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ (Tờ lược giải số 3 ngày 4/3/1939) đã thể hiện rất rõ điều này.
Mặt khác, tại Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ đã quy định đối với nhà, đất vắng chủ: "Riêng đối với những người sau đây, khi họ trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ: a/… b/ Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến".
Chỉ thị số 239-CT ngày 9/9/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng chỉ đạo: "Trường hợp đặc biệt xét trả lại nhà cho tư nhân, Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương bàn với Bộ Xây dựng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét quyết định".
Đặc biệt, tại Thông tư 04-BXD/XDCB/DT ngày 12/10/1990 của Bộ Xây dựng, về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 239-CT, đã ghi rất rõ: "Những trường hợp đặc biệt được xét trả lại nhà: 2.1/… 2.2/ Chủ nhà đi tham gia cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện "nhà vắng chủ". Đến nay, đã được UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân chủ nhà vắng mặt đúng với lý do nêu ở trên".
Cách đây gần 30 năm, sau khi luật sư Trịnh Đình Thảo mất, ngày 11/10/1993, Văn phòng Thủ tướng Võ Văn Kiệt có văn bản cho biết, vụ gia đình ông Thảo đòi lại căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt "rất quan tâm" và "sẽ đôn đốc việc giải quyết của UBND TP.HCM", "xem xét giải quyết có tình, có lý".
Ngay 31/3/2011, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1976/VPCP-KNTN, gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu: "Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, có lý có tình đối với gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo".
Đặc biệt, ngày 10/6/2013, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 5741-CV/VPTW gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Công văn cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được đơn của ông Trịnh Đình Đức (cháu nội luật sư Trịnh Đình Thảo) liên quan đến căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Phó Thủ tướng "chỉ đạo, xem xét, giải quyết".
Thế nhưng, đến nay (năm 2022), bất chấp hàng loạt văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cao nhất đất nước, con cháu cố luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn chưa thể lấy lại được nhà, đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Trái lại, từ nhà nước quản lý, nhà, đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa giờ đây đã trở thành khu "đất vàng", thuộc quyền quản lý và sử dụng của Công ty Cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại khu đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay là tòa cao ốc 19 tầng, có tên Sherwood Suites.
Hơn lúc nào, các cơ quan chức năng và chính quyền TP.HCM cần hủy bỏ Quyết định 1701, về việc "tịch thu" nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của cố luật sư Trịnh Đình Thảo, nhưng lại ghi là nhà của tư sản mại bản Trương Hy. Việc này có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ. Quyết định này dẫn tới biến nhà của gia đình người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng, có công với đất nước, thành nhà công sản.
Sau đó, từ nhà công sản, nay nhà, đất của cố luật sư Trịnh Đình Thảo thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức tư nhân khác là Công ty Cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đằng sau việc biến hóa này là gì ? Thời gian tới, hy vọng Cơ quan điều tra – Bộ Công an, sẽ xác minh làm rõ. Được biết gần đây, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thì thửa đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được Bộ Công an đưa vào danh sách là 1 trong 156 thửa "đất vàng" liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.