Dân Việt

Bình Định: Vì sao đô thị "đắt đỏ" nằm sát biển, mưa lớn… vẫn "chạy" lụt?

Dũ Tuấn 25/11/2022 17:16 GMT+7
Cách nhau 1 tháng, 2 trận lụt lịch sử 'chưa từng có' xảy ra ở phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã khiến người dân trở tay không kịp, đồ đạc hư hỏng, hàng loạt ô tô tiền tỷ bị ngâm nước, thiệt hại của người dân vô cùng lớn. Đây là khu đô thị nằm gần sát biển… và hiếm khi bị ngập lụt.

Dân ở phố quá mệt mỏi vì ngập lụt

Chỉ trong vòng 1 tháng, 2 trận mưa lớn gây ngập lụt kinh hoàng ở phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định), có nơi ngập sâu gần 2m. Hàng loạt tài sản của người dân bị nước cuốn trôi, nhấn chìm.

Mưa lớn trong ngày 20/11, tại phường Ghềnh Ráng các khu vực 2, 3, 4, 5 nước ngập sâu từ 1-1,5 mét, chính quyền đã tiến hành di dời 36 hộ/85 nhân khẩu ở khu vực 2.

Trước đó không lâu, cũng tại phường này, vào tối 11/10, cơn mưa lớn kéo dài đã gây ngập nặng, nước chảy như thác, nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng nặng nề, thiệt hại vô cùng lớn.

Bình Định: Vì sao đô thị "đắt đỏ" nằm sát biển, mưa lớn… vẫn "chạy" lụt? - Ảnh 1.

Trận lũ vừa qua xảy ra tại phường Ghềnh Ráng khiến người dân trở tay không kịp. Ảnh: DT.

Nhiều người không kịp trở tay, đồ đạc trong nhà, ôtô tiền tỷ phải ngâm trong nước nhiều giờ đồng, chờ phương tiện cứu hộ đến đưa đi. Thậm chí, một số tuyến đường có giá đất theo thị trường được rao, tầm khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2 và nhiều tuyến đường lân cận khá "đắt đỏ", cũng bị chìm trong nước.

Bà Nguyễn Thị Hằng (ở đường Chế Lan Viên, phường Ghềnh Ráng) cho biết, ngày 20/11 là trận ngập nặng nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Dù nhà bà ở trên cao và xây nền rất cao so với mặt đường nhưng nước vẫn vô nhà và ngập lên tới 1m.

"Nước từ trên núi đổ xuống nhiều và rất nhanh nên gây ra ngập nặng. Nhà tôi không kịp di chuyển đồ đạc gì hết. Bàn ghế, tủ lạnh, tủ gỗ... đều bị ướt hết. Hai năm nay, cứ mưa là ngập, chúng tôi quá mệt mỏi", bà Hằng than thở.

Bình Định: Vì sao đô thị "đắt đỏ" nằm sát biển, mưa lớn… vẫn "chạy" lụt? - Ảnh 2.

Tuyến đường ở Ghềnh Ráng hư hỏng, đầy bùn đất sau trận lũ. Ảnh: DT.

Theo người dân tại phường Ghềnh Ráng, trận ngập lịch sử vừa qua đã khiến hàng nghìn xe máy, ô tô của người dân bị nước nhấn chìm. Đáng nói hơn nữa, có những nhà cách đây hơn một tháng vừa bị ngập phải mang ô tô đi sửa thì nay lại tiếp tục bị ngập. Nhiều phương tiện bị chết máy do ngập nước, không thể nào di chuyển đi đâu được.

Cũng theo người dân địa phương, trước đây địa phương không xảy ra tình trạng ngập lụt như hiện nay. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, mưa lớn khoảng chừng 15-20 phút là bắt đầu nước chảy như sông.

Thậm chí, nước mưa quá lớn đã khiến đường bị ngập, nhiều xe qua lại bị chết máy. Nước chảy xiết nên đã cuốn một số xe máy cùng người điều khiển theo dòng nước. May mắn là người dân phát hiện và dùng dây kéo vào kịp thời.

Họp bàn tìm phương án xử lý

Người dân tại đây cho biết, trước đây ở khu vực có một vùng đất trũng, được ví như "hồ điều tiết". Khi mưa lớn, tất cả lượng nước sẽ đổ về "hồ điều tiết" đó rồi từ từ chảy ra biển. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình bê tông đã san phẳng mọi thứ khiến lượng nước mưa từ trên núi đổ dồn về thoát không kịp, gây ngập nhiều khu dân cư.

Ông Võ Chí Thiện - Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng nhìn nhận, địa phương còn nhiều bất cập, trong đó hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu và đã xuống cấp; việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chưa thường xuyên.

Bình Định: Vì sao đô thị "đắt đỏ" nằm sát biển, mưa lớn… vẫn "chạy" lụt? - Ảnh 3.

Nhiều nơi tại phố biển Quy Nhơn sạt lở do mưa lớn. Ảnh: DT.

Ngoài ra, một số hộ dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang mương làm ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Ông Thiện cho hay, sắp tới sẽ thành lập tổ công tác để kiểm tra, thống kê các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang mương thoát nước. Trước mắt, vận động người dân tự chấp hành, lùi vào đúng chỉ giới, trường hợp không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt ở phường Ghềnh Ráng, ông Võ Hữu Thiện - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết, Sở vừa phối hợp với UBND TP.Quy Nhơn họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Các giải pháp đưa ra sẽ được trình lên UBND tỉnh Bình Định quyết định.

Theo ông Võ Hữu Thiện, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì còn 1 nguyên nhân khác là hạ tầng kỹ thuật tại đây chưa đồng bộ. Trong đó, chỗ cống tròn nơi cống hộp, độ rộng khác nhau, chưa được duy tu, nạo vét thường xuyên nên khi mưa lớn không kịp ứng phó.

Bình Định: Vì sao đô thị "đắt đỏ" nằm sát biển, mưa lớn… vẫn "chạy" lụt? - Ảnh 4.

Đường phố thành sông, nước chảy dữ dội khiến ai chứng kiến đều lo sợ. Ảnh: DT.

Sở Xây dựng Bình Định cũng đề xuất mở rộng mương Bông Hồng, các cống thoát nước phải thay đồng bộ bằng cống hộp, xử lý việc lấn chiếm trái phép hành lang mương. Đặc biệt, khi các trận mưa cực đoan ngày càng thường xuyên hơn, cần kích hoạt giải pháp chia lũ nếu lượng mưa vượt quá công suất thiết kế.

Cụ thể, thay vì để nước chảy từ Quốc lộ 1D xuống mương dọc đường Chế Lan Viên nối dài, thì có thể dẫn nước qua đường Võ Liệu rồi đổ về mương dọc đường Tây Sơn.