Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định: "Trải thảm" đón nhà đầu tư
Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định: "Trải thảm" đón nhà đầu tư
Dũ Tuấn
Thứ hai, ngày 21/11/2022 17:43 PM (GMT+7)
Ngày 21/11, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh này.
Tập trung phát triển kinh tế xanh, năng lượng tái tạo
Sự kiện có khoảng 100 doanh nghiệp của Đức đến từ các nước ở châu Á, châu Âu và trên thế giới; hơn 50 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bình Định cùng một số tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước tham dự bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 dự án của các doanh nghiệp Đức đang được triển khai với tổng vốn đăng ký trên 55 triệu USD.
Đặc biệt là dự án nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn KURZ với tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD và đang xúc tiến các thủ tục triển khai dự án trang trại điện gió ngoài khơi của Công ty PNE, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,6 tỷ USD.
Với những kết quả hợp tác bước đầu và lợi thế là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, Bình Định luôn mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Đức trên các lĩnh vực như: Sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp; năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường…
"Bình Định mong muốn các doanh nghiệp của Đức tiếp tục quan tâm, mở rộng quy mô đầu tư, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia ở mức cao hơn trong chuỗi cung ứng và giá trị… Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Theo ông Simon Kreye - Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, CHLB Đức và các doanh nghiệp của Đức luôn luôn đứng bên cạnh Việt Nam, thời gian qua, thương mại và đầu tư của Đức vào Việt Nam liên tục phát triển.
Đồng thời, nhờ có sợ cam kết của chính quyền các địa phương, nên các tỉnh/thành như Bình Định đang là trọng tâm của các hoạt động đầu tư, phát triển thương mại song phương đa chiều giữa các bên.
"Các tỉnh giống như Bình Định đã đưa ra các cơ hội đầu tư rất tốt cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ phía Đức, cũng như các doanh nghiệp từ các quốc gia châu Âu. Và chúng tôi rất cảm ơn về những có hội đang mở ra này", ông Simon Kreye chia sẻ.
Theo ông Simon Kreye, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Đức tập trung phát triển kinh tế xanh, năng lượng tái tạo.
Điều này, có nghĩa Chính phủ giữa hai quốc gia đã có những chính sách, mục tiêu rất tham vọng về biến đổi khí hậu.
"Mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương là phát triển kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo đó là những điều mà chúng tôi rất ủng hộ. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi có 1 công ty của CHLB Đức là Công ty PNE đang lập kế hoạch để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định", ông Simon Kreye nói.
Cũng theo ông Simon Kreye, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các chính sách của Trung Quốc và EU đã làm cho các doanh nghiệp Đức nhận ra cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Vì thế, các nhiều doanh nghiệp của Đức đang tìm kiếm cơ hội vào Việt Nam. Việt Nam có nhiều điều kiện rất tốt để doanh nghiệp Đức có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Yếu tố quan trọng đầu tư vào Bình Định
Ông Daniel Marek, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á – Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam đã làm rất tốt khi xây dựng khung pháp lý hỗ trợ cho đầu tư, cũng có nhiều hiệp định tự do được ký nên đã tạo ra môi trường an toàn và đánh tin cậy cho đầu tư.
Hiện, các công ty của Đức đang quan tâm 3 điều: Thông tin minh bạch và đáng tin cậy về thông tin dữ liệu; kinh tế và môi trường kinh doanh; tính ổn định về mặt kinh tế và chính trị.
"Từ góc nhìn của tôi, Việt Nam hiện nay đang làm tốt mục số 3, nhưng khi nói về tính minh bạch của dữ liệu và dữ tiếp cận dữ liệu bằng tiếng Anh hiện còn nhiều dư địa để cải hiện", ông Daniel Marek nói.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK Việt Nam đánh giá cao vị thế số 1 của Việt Nam trong khu vực ASEAN (cộng đồng kinh tế 10 quốc gia, trong đó có 4 quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP).
Trong 4 quốc gia có Hiệp định CPTPP, chỉ có Việt Nam và Singapore hiện đã đàm phán và có Hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Như vậy, khi sản xuất ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tiến ra thị trường Bắc Mỹ, cũng như mở rộng thị trường ở châu Âu. Đó là lý do Việt Nam có vị thế rất tốt trong thu hút đầu tư và thương mại.
Ông Marko Walde đã cảm ơn TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị TMA Solution đã đưa ông đến tỉnh Bình Định cách đây 2 năm.
Kể từ khi đến Bình Định, ông Marko Walde đã "chốt" địa phương này. Ông đã quay trở lại Bình Định rất nhiều lần và mang nhiều công ty cũng như các đoàn đại biểu Đức đến Bình Định. Các đại biểu rất hài lòng với môi trường kinh doanh cũng như khung hỗ trợ cho đầu tư và kinh doanh của tỉnh.
"Khi tôi đến cảng Quy Nhơn, tôi thấy đây là một cảng tốt và vận hành tốt, còn trường đại học Quy Nhơn là trường có thế mạnh về công nghệ thông tin, toán, kỹ thuật công nghệ… Đây là những yếu tố quan trọng các doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một địa phương", ông Marko Walde nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.