Khoảng 6 năm trước, tôi có dịp ghé nhà ông Tư Khanh nghe ông kể chuyện chế biến trái bưởi thành các sản phẩm dược liệu trị chứng rụng tóc, hói đầu… Lần này ghé nhà, lại nghe ông Tư Khanh kể chuyện làm du lịch vườn dừa vạn người mê bằng cách làm "đại lộ trên không".
Như lần trước, lần này ông nông dân Tư Khanh lại khập khiễng với một cánh tay phải bị thương tật từ thời kháng chiến chống Mỹ dẫn tôi ra xem vườn cây ăn trái rộng 8.000m2. Được cơn mưa nặng hạt gột rửa, những cây bưởi, cây dừa sáp… trở nên xanh tươi, sạch bóng hơn.
Những hàng dừa sáp chạy dọc mé mương nước lần trước tôi ghé chỉ có vài nhánh, cao ngang ngực, giờ đã cao 6-7m.
Theo ông Tư Khanh, hiện vườn dừa sáp có gần 300 gốc. Lâu nay, tận dụng những trái dừa sáp tự trồng lão nông này để chế biến sâu thành những sản phẩm rất đặc trưng cho công ty của mình.
Ông Tư Khanh tự hào cho biết, khu vườn trái cây này đã cho ông 12 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tiền Giang.
Có thể nhận thấy, ở lão ông Tư Khanh sự sáng tạo là vô biên. Bước vào cái ngưỡng hưởng già, ông vẫn nghĩ ra mô hình du lịch vườn trái cây chẳng ai có. Tận dụng vườn dừa sáp có sẵn ông nghĩ phải khai thác làm du lịch. Mà phải làm độc, lạ, khác người ông Tư Khanh mới sướng.
"Tôi nghĩ, nếu làm du lịch vườn trái cây là phải khác người. Chứ mô hình này hao hao giống mô hình kia thì du khách nào chịu tới", ông Tư Khanh thổ lộ.
Ông Tư Khanh kể, lúc đầu ông định bắt thang cho du khách leo lên cây dừa hái trái chứ không làm đường trên không như bây giờ. Tuy nhiên, nghĩ cách này thất sách nên ông quyết định làm đường trên không.
Kết nối các cây dừa trong vườn là một con đường làm trên không trung, khách du lịch có thể đi thong long trên lưng chừng vườn dừa, tha hồ lựa chọn rồi hái những trái dừa mình ưng ý nhất.
Hiện, con đường trên không này đã hoàn thành. Đường được lắp ráp bằng thép, cao 4,5m hơn nửa thân dừa, ngang 1m và dài 500m, chạy loằng ngoằng kết nối 300 thân cây dừa. Con đường này mất hàng tháng mới hoàn thành và tiêu tốn của ông Tư Khanh cả tỷ đồng.
Ông Tư Khanh cho biết, cái thú khi du lịch vườn trái cây của ông là du khách được đi trên con đường trên không cao ngang những buồng dừa tưởng là chót vót, được tự hái, nhâm nhi nước dừa, thưởng ngoạn phong cảnh và hít thở không khí trong lành.
Không chỉ vậy, ông Tư Khanh còn bày ra trò hái dừa sáp trúng thưởng. Hoặc hái được mà không thưởng thức du khách sẽ được ông mua lại với giá 200.000 đồng/trái.
Cho đến giờ, ông Tư Khanh chưa lấy phí với du khách vào tham quan khu du lịch vườn trái cây của mình.
"Tôi không chú trọng lấy phí tham quan khu du lịch vườn trái cây. Cứ để bà con tự do vào tham quan, biết đâu những ý kiến đóng góp còn giá trị hơn bội phần", ông Tư thổ lộ.
Để thu hút du khách, tạo điểm nhấn, lưu giữ khách du lịch, ông Tư Khanh còn làm những ngôi nhà bằng vỏ chai nhựa đã qua sử dụng ngay trên tuyến đường đi trên không. Tại đây, du khách vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm toàn cảnh vườn dừa. Ông Tư Khanh còn tổ chức những trò chơi, những món ăn dân dã, đặc trưng, nét xưa, hồn cũ của miền Tây sông nước.
Chị Lê Lan, một du khách ở TP.HCM sau khi trải nghiệm khu du lịch vườn trái cây của ông Tư Khanh cho biết, cảm giác rất lạ, rất thích…
"Tôi rất mê du lịch sông nước, cây trái ở miền Tây Nam bộ. Lần này ghé khu du lịch của chú Tư thấy rất độc đáo, chẳng giống nơi đâu", chị Lan thổ lộ.
Vừa rồi, ông Tư Khanh mời hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở ĐBSCL đến hỏi ý kiến về khu du lịch vườn trái cây của mình. Các doanh nghiệp cho rằng ông làm hay, mới lạ. Các doanh nghiệp du lịch cho biết, sẽ cố gắng tổ chức, đưa điểm du lịch của ông Tư Khanh vào chương trình du lịch của công ty.
"Từ khi tôi mở cửa khu du lịch vườn trái cây đón khách, nhiều đoàn khách và người dân địa phương đã tìm đến vui chơi. Có người bảo tôi nên mở quán ăn hoặc nhà nghỉ trên cây để hút khách. Tôi thấy rất vui", ông Tư Khanh hứng khởi.