Vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV chưa đúng khuyến cáo
Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực ASEAN kể từ năm 2017. Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy, sản tăng tới 200%. Dẫn đầu trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam là một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su…
Phát biểu tại Hội thảo "Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững" do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) phối hợp Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và Tổ chức Crop Life châu Á tổ chức, ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: 10 năm trở lại đây, sự nỗ lực của toàn hệ thống từ Bộ NNPTNT đến các địa phương đã làm thay đổi khá nhiều thói quen sản xuất nông nghiệp. Theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, các mặt hàng nông sản muốn xuất khẩu được phải vượt qua rào cản quy định của thị trường. Đó là động lực để các sản phẩm thực hiện tuân thủ quy trình thực hành sản xuất tốt.
Nhiều năm qua, ngành chè đã phối hợp Cục BVTV, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và các cơ quan liên quan khác thúc đẩy quá trình thực hành sản xuất tốt, xây dựng các thương hiệu. Mục đích để các hội viên hiệp hội khi sản xuất ra sản phẩm phải xuất khẩu được sang các thị trường theo đúng yêu cầu. Đây là yêu cầu rất cấp bách.
Tuy nhiên, trong sử dụng thuốc BVTV đã diễn ra tình trạng, một số thuốc trên nhãn bao bì ghi không có hoạt chất này nhưng khi doanh nghiệp mua ngoài thị trường xịt lên chè, test lại thấy xuất hiện có hoạt chất đó.
"Điểm nguy hại là có những doanh nghiệp xuất khẩu đang làm sản phẩm chè xuất khẩu vào thị trường có quy định cấm hoạt chất đó. Vấn đề này là phạm vi liên quan đến nhà sản xuất, nhà quản lý. Nhà quản lý, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp… phải cùng đồng hành để giải quyết" - ông Long nói.
Tập trung phân tích góc độ hành vi của người nông dân trong sử dụng thuốc BVTV, bà Preeti Anand - Giám đốc Dự án "Áp dụng nghiên cứu hành vi để cải thiện thực hành sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm của nông dân" cho biết: Mặc dù có nhiều chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV được tổ chức cho nông dân, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại ở Việt Nam về việc sử dụng thuốc không đúng cách. Điều đó có thể dẫn đến tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm trồng trọt, đem đến lo ngại về an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu bị từ chối.
"Nông dân canh tác sản phẩm xuất khẩu không nhận được phản hồi về mức dư lượng trên sản phẩm của họ. Nông dân không nhận thức được hết trách nhiệm của họ trong việc quản lý mức dư lượng trên cây trồng" - bà Preeti Anand nói.
"Trong nhận thức của cộng đồng, nói đến thuốc BVTV là nghĩ là xấu. Nhìn nhận của xã hội về thuốc BVTV cần linh hoạt, hiểu cho đúng. Sử dụng đúng theo khuyến cáo thì mọi hóa chất đều có vai trò riêng".
Ông Bùi Văn Kịp - cố vấn cao cấp của Bayer
Theo ông Long, ngành chè nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu; tình hình dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm… Về sử dụng thuốc BVTV, thay đổi hành vi của người nông dân rất cần thiết nhưng làm thế nào để thay đổi được mới là yếu tố quan trọng.
Ông Long cho rằng: "Trước hết phải để người nông dân nhận thức rõ, thay đổi thì họ được điều gì, yếu tố chính là thu nhập. Khi họ thay đổi phải đảm bảo năng suất, giá cả phải tăng, thu nhập cuối cùng phải tăng. Muốn nông dân thay đổi hành vi, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn với nông dân".
Cần chiến lược quản lý thuốc BVTV toàn diện
Đề cập tới vai trò của thuốc BVTV trong nền nông nghiệp bền vững, hệ thống sản xuất nông sản an toàn bền vững, ông Bùi Văn Kịp - cố vấn cao cấp của Công ty Bayer Việt Nam đánh giá: Thuốc BVTV là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua trong nhận thức của cộng đồng, nói đến thuốc BVTV thì nghĩ là xấu. Nhìn nhận của xã hội về thuốc BVTV cần linh hoạt, hiểu cho đúng. Sử dụng đúng theo khuyến cáo thì mọi hóa chất đều có vai trò riêng.
Thời gian qua, tính chịu rủi ro của người sản xuất nhỏ rất thấp. Do đó, họ phải làm mọi cách để sản xuất có năng suất, có lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mô hình chuỗi hợp tác, nông dân sản xuất nhỏ cũng phải tuân thủ theo chuỗi, dần dần từng bước thay đổi hành vi của người nông dân trong sản xuất nói chung, đặc biệt là trong sử dụng thuốc BVTV nói riêng.
Bà Nguyễn Mai Hương - Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: thời gian tới, Nhà nước cần có một chiến lược quản lý thuốc BVTV toàn diện, cân nhắc các yếu tố khác nhau, không chỉ là các hoạt chất. Chiến lược can thiệp phải giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm cải thiện thực hành sử dụng của nông dân và đưa ra các thực hành tốt nhất (ví dụ như không sử dụng các loại thuốc không được cấp phép/hiệu quả kém)…