Dân Việt

Khuyến nông cần sắp xếp lại và đa năng hơn

Mùa Xuân 28/11/2022 10:34 GMT+7
Vừa qua, tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Lào Cai tổ chức hội thảo “Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng”.

Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nhấn mạnh đến việc sắp xếp hệ thống khuyến nông các cấp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp. Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư… cấp huyện thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện.

Khuyến nông cần sắp xếp lại và đa năng hơn - Ảnh 1.

Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Lào Cai bên lề tọa đàm. Ảnh: M.X

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện chỉ còn 21 tỉnh, thành phố duy trì 217 trạm khuyến nông cấp huyện, với gần 1.200 cán bộ khuyến nông. Đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở hiện có khoảng 6.000 người, hoạt động còn rất khó khăn và thiếu sự quản lý, chỉ đạo từ các tổ chức khuyến nông tỉnh, huyện .

Sát nhập các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này về Sở NNPTNT. Rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tại tọa đàm, báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt công tác rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành NNPTNT, trong đó có hệ thống khuyến nông. 15/63 tỉnh giảm số lượng phòng, ban; 9/63 tỉnh đổi tên, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; 14/63 tỉnh hợp nhất các đơn vị sự nghiệp nhằm giảm đầu mối.

Đáng chú ý, 2 tỉnh là Lai Châu, Bình Dương đã giải thể Trung tâm Khuyến nông tỉnh; 23/63 tỉnh, thành phố tạm thời giữ nguyên, chưa sắp xếp; 36/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành hợp nhất trạm khuyến nông, trạm BVTV, trạm thú y để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và bàn giao cho UBND huyện quản lý.

Ông Đỗ Đức Duy - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho hay: Đối với chế độ đãi ngộ khuyến nông viên cơ sở, mỗi địa phương làm một cách, không có quy định cụ thể. Hiện nay, địa phương nào có điều kiện ban hành cơ chế chính sách thì có thể có chế độ đãi ngộ tốt, có địa phương thậm chí còn không có chế độ đãi ngộ gì. Người làm khuyến nông cơ sở hình thành các tổ, nhóm khuyến nông cộng đồng hầu hết là tự nguyện và đam mê nghề nghiệp.

Đảm bảo kinh phí để hoạt động hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Phòng, bày tỏ: "Để nâng cao vai trò khuyến nông, đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm sớm kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất theo một mô hình từ cơ chế chính sách, hoạt động khuyến nông góp phần xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới".

Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La trăn trở, hiện nay công chức xã có chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang được giao kiêm nhiệm vụ khuyến nông. Tuy nhiên, do thực hiện nhiều nhiệm vụ UBND xã giao nên hầu như không có thời gian thực hiện nhiệm vụ khuyến nông; chưa thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt thông tin về sản xuất nông nghiệp, nên không phát huy được vai trò, trách nhiệm khuyến nông viên cấp xã.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khuyến nông. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách, thể chế về hoạt động dịch vụ sự nghiệp công khuyến nông; tăng cường kết nối trong hệ thống khuyến nông với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp.

Hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng với nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở và các cộng tác viên là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã (thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm…), hội nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhà nước cần đảm bảo nguồn kinh phí ngân sách cho các dịch vụ khuyến nông cơ bản thiết yếu.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Hệ thống khuyến nông đang gặp rất nhiều vấn đề do chưa có một mô hình nào chuẩn hóa. Sau khi thực hiện các nghị quyết của Trung ương, mỗi địa phương lại có một cách làm khác nhau, dẫn đến hệ thống bị đứt gãy, không liên tục từ Trung ương đến địa phương.

"Điều này rất cần nghiên cứu sắp xếp lại. Trước đây phương pháp tiếp cận khuyến nông chủ yếu là các giải pháp kỹ thuật, nhưng bây giờ chúng ta phải tiếp cận khuyến nông ở góc nhìn mới, phương pháp mới, đa hình thức hơn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Khuyến nông không chỉ tiếp cận với thị trường, dịch vụ mà còn phải giúp người nông dân, HTX tiếp cận cũng như áp dụng chuyển đổi số…" – ông Thanh khẳng định.