TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá năm 2022, là một năm khá đặc biệt khi thị trường thay đổi đột ngột.
Theo ông Ánh, nửa đầu năm nay, kinh tế khá tốt, vấn đề Việt Nam lo ngại đó chính là lạm phát, đặc biệt giá xăng dầu tăng, song đến nay "chúng ta chưa nhìn thấy lạm phát ở Việt Nam một cách thực tế".
Thế nhưng, quý IV/2022 sẽ là "một hiện tượng đặc biệt", bởi tăng trưởng kinh tế sẽ đi xuống vào quý này - quý cuối cùng của năm, trong khi theo thông lệ, tăng trưởng kinh tế thường đi lên vào cuối năm, và lạm phát cũng tăng lên, theo TS. Vũ Đình Ánh.
Làm rõ thêm, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, lẽ ra năm 2022 tăng trưởng kinh tế tốt, thậm chí tạo giai đoạn mới về tăng trưởng sau khi xuống đáy vào 2 năm trước. Nhưng, rất thú vị là "lúc nào hào hứng đi lên thì thế giới lại đổ cho chúng ta một gáo nước lạnh".
Dẫn chứng, như năm 1995,1996, Việt Nam tăng trưởng 9,34% - 9,5%, đến 1997 khủng hoảng tài chính khu vực xuất hiện khiến tăng trưởng kinh tế lao đao xuống đáy năm 1999 và sau đó đi lên. Năm 2006 - 2007 đang tăng trưởng tốt, đến 2008 xảy ra khủng hoảng toàn cầu, kinh tế lại lao đao năm 2009.
Sau đó kinh tế lại tiếp tục đi lên, và theo chu kỳ đáy sẽ rơi vào năm 2019, thế nhưng thực tế, tăng trưởng kinh tế lại xuống đấy vào năm 2020 – 2021. Lẽ ra, năm 2022, Việt Nam quay lại đà tăng trưởng tốt và sẽ có chu kỳ tăng trưởng mới. Thế nhưng, tình hình lại có vấn đề", ông Ánh nêu.
Một trong những "vấn đề" được TS. Vũ Đình Ánh đề cập đó chính là sự đột ngột trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, dù tín hiệu phát ra từ trước đó là chính sách tiền tệ chính thức thắt chặt sau Ngân hàng Nhà nước tăng tới 1 điểm % lãi suất cơ bản vào tháng 9, và lần thứ 2 vào tháng 10/2022.
"Việc thắt chặt này được thể hiện một cách rõ ràng khi Fed "nhiều lắm" chỉ dám tăng 0,75%, trong khi Ngân hàng Nhà nước làm luôn 2 đợt mỗi đợt 1% trong vòng 1 tháng", ông Ánh cho hay.
Vị chuyên gia khuyến nghị, cần có những thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. "Định hướng chính sách cần rõ rệt hơn, thể hiện trong thực tế điều hành, như vậy nền kinh tế mới kỳ vọng vượt qua tác động rất rất sớm của kinh tế thế giới đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, thị trường vốn thế giới", ông nhấn mạnh.
Có cái nhìn tích cực hơn, TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, trong bức tranh chung u ám, Việt Nam có vẻ đang sáng hơn khi dự báo tăng trưởng năm nay đạt 8%, lạm phát ở mức 4%.
Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng "bức tranh vĩ mô đang che giấu một phần hiện thực gay go, khu vực nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính". Ông Thiên dự báo, năm tới tình hình khó khăn hơn năm nay rất nhiều.
"Ở trong nước, doanh nghiệp Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn. Bức tranh chung vĩ mô không giống với bức tranh thực của khu vực nội địa. Trong nền kinh tế có điểm sáng là khu vực FDI, xuất nhập khẩu đang tốt lên, ngân sách bội thu vượt chỉ tiêu nhưng không có nghĩa thực lực nền kinh tế hoàn toàn ổn, mà nguy cơ bất ổn cao", ông nhấn mạnh.
TS. Trần Đình Thiên cũng lưu ý, kinh tế tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô nhưng thị trường chứng khoán lao dốc với các kỷ lục thế giới, nguy cơ vỡ trận thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kinh tế tốt nhưng khủng hoảng tâm lý, lòng tin trong khi nền kinh tế khát vốn và nguy cơ nợ xấu.
"Nếu không xử lý tốt, đặc biệt chính sách vĩ mô, phương án doanh nghiệp, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Lúc này đây tôi nói kinh tế tốt nhưng khủng hoảng tâm lý, có vấn đề niềm tin, trong bối cảnh lao động thất nghiệp nhiều, đơn hàng giảm, luồng tiền, luồng vốn đều gặp vấn đề", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ông Thiên cũng cho rằng, thời điểm này là cơ hội lịch sử để đẩy mạnh cải cách thể chế, quan niệm lại ổn định kinh tế vĩ mô, cấu trúc lại hệ thống thị trường tài chính, cải cách hệ thống đầu tư công.
Trong ngắn hạn, ông đề xuất cần giải phóng đầu tư công, dập tắt khủng hoảng tâm lý, khôi phục lòng tin, lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp - cho vay doanh nghiệp.