Sau năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về "Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020", tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có 66/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 43,42%, đạt và vượt so với kế hoạch của Trung ương và HĐND tỉnh giao.
Năm 2021, lũy kế toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 69 xã đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận); có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP.Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ; nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; kinh tế có bước phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn…
TP.Buôn Ma Thuột là 1 trong 2 địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu mới, ngày 24/12/2021, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 08 về "Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030".
Theo đó, tỉnh xác định mục tiêu chung là xây dựng nông thôn mới đồng bộ với việc thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế nông thôn với công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, buôn; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp…
Đáng chú ý, tỉnh xác định đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng 100/152 xã); có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương ứng với 26,7%); trong đó, có từ 1 đến 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh xác định một số giải pháp, trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo quy định; phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo Chương trình OCOP nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội...
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung….); ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống giao thông ở những địa bàn khó khăn do đặc thù về điều kiện địa hình, địa chất, tạo sức bật để các xã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có và thu hút đầu tư có hiệu quả.
Các tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã được nhựa hóa, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn.
Ngoài ra, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn theo quy định của Trung ương và thực tế tại địa phương; có lộ trình ưu tiên cho những xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong kế hoạch của tỉnh, đồng thời quan tâm đầu tư hợp lý cho những xã thuộc các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã biên giới...