Dân Việt

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư siêu cảng biển 6 tỷ USD tại TP.HCM

Hồng Trâm 29/11/2022 12:48 GMT+7
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) được đánh giá sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu kho bãi, các loại phí, lệ phí từ tàu ra vào cảng.

Liên quan đến tiến độ đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao tầm quan trọng của dự án này. 

Theo đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, dự án sẽ có đóng góp quan trọng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế không chỉ cho riêng TP.HCM mà cả khu vực phía Nam và các vùng lân cận. Đồng thời, dự án cũng sẽ đóng góp đáng kể vào thu ngân sách TP.HCM và cả nước.

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư "siêu" cảng biển 6 tỷ USD tại TP.HCM - Ảnh 1.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ có quy mô 7,2km. Ảnh: H.T

Để tạo điều kiện cho dự án trên có đầy đủ căn cứ pháp lý về quy hoạch, kịp triển khai các bước tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông cũng kiến nghị UBND TP.HCM tạo điều kiện cho dự án được triển khai trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt quy hoạch.

Được biết, dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ có quy mô 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Teus). Công suất thông qua của cảng này 10-15 triệu Teus. Tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dự kiến, công trình được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Trong đó, thời gian xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 là 2024-2027. Giai đoạn cuối được đầu tư và đưa vào khai thác vào năm 2040. Được biết, dự án này do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hợp tác với Công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container hàng đầu thế giới nghiên cứu.

Theo UBND TP.HCM, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải lớn hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

Do đó, khu vực này có điều kiện hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư "siêu" cảng biển 6 tỷ USD tại TP.HCM - Ảnh 3.

Dự án được kỳ vọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước. Ảnh: H.T

Để có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với thành phố và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế.

Từ đó, TP.HCM và các đơn vị liên quan sẽ xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc TP.HCM theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng container trung chuyển quốc tế và triển khai đầu tư ngay trong thời kỳ 2021 - 2030.

UBND TP.HCM đánh giá việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng và các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo các chuyên gia, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nếu được xây dựng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh với các nước và phát triển kinh tế biển cho cả nước.