Cuốn sách là kết quả của một dự án hợp tác của nhà Việt Nam học người Singapore Stan BH Tan-Tangbau và "bố già nhạc Jazz Việt Nam" ("Godfather of Vietnamese Jazz") Quyền Văn Minh. Tan-Tangbau sang Việt Nam đã "phải lòng" tiếng saxophone chơi nhạc Jazz của Quyền Văn Minh nên quyết định lấy người nghệ sĩ Việt Nam làm một trường hợp nghiên cứu. Một dự án được lập ra giữa hai người và kéo dài từ 2009 đến 2017 thông qua các cuộc chuyện trò, đối thoại. Tan-Tangbau đã tập hợp các lời kể của Quyền Văn Minh về cuộc đời và hành trình âm nhạc theo đuổi Jazz của mình thành một mạch tự sự xuyên suốt, xen vào đó là những diễn giải thêm của ông để đặt Minh cũng như Jazz Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn của khu vực và thế giới. Như vậy cuốn sách vừa là một công trình nghiên cứu về Quyền Văn Minh và nhạc Jazz, về Jazz ở Hà Nội, đồng thời cũng là một nghiên cứu chính trị xã hội văn hoá Việt Nam thời kỳ chuyển đổi trong tương quan với sự xuất hiện của một loại nhạc.
Các cuộc trò chuyện giữa hai người là bằng tiếng Việt và khi in sách tác giả đã tự chuyển sang tiếng Anh. Do đó tác giả sách là đề cả hai người và lời của Quyền Văn Minh trong sách này là được dịch từ tiếng Anh ra chứ không phải theo bản gốc ghi âm, ghi chép. Nếu có gì sai sót thì Tan-Tangbau đã nhận về mình trách nhiệm trong việc chuyển ngữ của mình. Bản dịch của Hiền Trang từ "Playing Jazz in Socialist Vietnam: Quyền Văn Minh and Jazz in Hà Nội" thành "Chơi Jazz ở Việt Nam. Quyền Văn Minh và nhạc Jazz ở Hà Nội" thông suốt, dễ đọc, trừ một số thuật ngữ, tên gọi có thể chỉnh sửa thêm.
CHƠI JAZZ Ở VIỆT NAM
Tác giả: Stan BH Tan-Tangbau – Quyền Văn Minh
Omega & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 385 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 259.000đ
Đọc cuốn sách người đọc rộng rãi lần đầu tiên được biết về cuộc đời âm nhạc của Quyền Văn Minh và hành trình ông gặp Jazz và gắn mình với loại nhạc này. Ông thừa hưởng khiếu âm nhạc của người bố nhưng suốt đời là tự học để thực hiện được sự đam mê của mình.
Năm 14 tuổi (1967) ông lần đầu tiên nghe được một thứ nhạc lạ trên đài phát thanh mà phải chui vào chăn để nghe thầm nghe lén khiến ông thấy mê. Đó là nhạc Jazz như về sau ông được biết. Nhưng trong khí quyển xã hội Việt Nam thời chiến tranh và hậu chiến, những thứ nhạc nước ngoài xa lạ với đường lối chung của nhà nước đều bị cấm đoán, loại trừ.
Trong các thứ nhạc bị coi như thế thì Jazz càng là xa lạ, khó hiểu. Tuy nhiên, Quyền Văn Minh và Jazz như là định mệnh của nhau. Càng bị cấm đoán, càng ít có điều kiện tìm hiểu, biểu diễn, ông càng đắm đuối, quyết tâm. Nhất là khi ông đã từ chơi ghi ta, clarinet hồi đầu chuyển sang chơi chuyên tâm kèn saxophone. Jazz–Saxophone–Quyền Văn Minh hợp thành "tam vị nhất thể" để xác lập và tạo được một vị thế cho loại nhạc này bắt rễ và tồn tại trong âm quyển âm nhạc Việt Nam. "Tôi chỉ muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng saxophone sẽ được tôn trọng như một nhạc cụ chính thống như bất cứ nhạc cụ trong dàn nhạc nào. Tôi muốn cho thấy rằng nó là một nhạc cụ đa năng có thể sử dụng cho nhiều loại âm nhạc khác nhau. Tôi muốn giới thiệu nhạc Jazz." (tr. 235).
Đam mê và kiên trì, Quyền Văn Minh bằng tài nghệ của mình đã chứng thực và chứng minh thuyết phục cho giá trị nhân văn và nghệ thuật của cây đàn Saxophone và nhạc Jazz trong cả đời sống âm nhạc và đời sống văn hoá – xã hội. Từ hai buổi hoà nhạc tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổ chức của những người chuyên môn âm nhạc, vào hai năm 1988, 1989, khi mà trong chương trình tiết mục Jazz chưa được ghi rõ tên mà còn nấp dưới tên gọi "Nhạc quốc tế", ông đã đưa Jazz ra công khai, rõ ràng trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội năm 1994. Đó có thể coi là sự ra đời của Jazz Việt khi trong buổi biểu diễn này bên cạnh các bản Jazz thế giới ông đã lần đầu trình diễn ba bản nhạc Jazz Việt đầu tiên do chính mình sáng tác. Được biểu diễn tại Nhà Hát Lớn, thánh đường nghệ thuật sang trọng tại thủ đô, đó đã là một sự thừa nhận và chứng nhận cho Jazz và Quyền Văn Minh, tạo động lực để ông tiếp tục biểu diễn và truyền bá nhạc Jazz cho người chơi nhạc và nghe nhạc.
Sau hai buổi hoà nhạc 1988, 1989, Quyền Văn Minh đã được Học viện Âm nhạc Quốc gia mời về giảng dạy và từ 1991 chính thức là giảng viên có biên chế, tuy ông không qua trường lớp nào.
Nhạc viện đã phải cấp chứng chỉ đặc cách cho ông để ông có thể lên lớp dạy về kèn saxophone và nhạc jazz. Đây là một trường hợp hy hữu, nếu biết rằng ở Nhạc viện các giảng viên đều là những người được đào tạo bài bản, nhiều người là học ở các nhạc viện danh tiếng ở nước ngoài về.
Từ là một môn học, Jazz theo thời gian và sức ảnh hưởng của nó nhờ sự nỗ lực hết mình của Quyền Văn Minh, đã được phát triển thành một Khoa ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nhìn lại con đường mình đã đi kể từ năm 1967 khi ngẫu nhiên nghe bản Jazz đầu tiên qua đài phát thanh, Quyền Văn Minh tự thấy: "Cuối cùng, tôi biết rằng con đường tôi đã đi để chơi Jazz ở Việt Nam, để dạy saxophone và clarinet ở nhạc viện và để phát triển Jazz ở Việt Nam, nó giống như là mở đường qua cánh đồng bằng đôi chân trần, bùn lầy, bẩn thỉu và khó khăn; như là đi chân đất trong bùn. Nhưng tôi biết rằng tôi đã mở được một con đường mới cho các sinh viên hiện nay và tương lai, họ có thể đi những đôi giày đẹp, chạy và cất cánh!" (tr. 240).
Câu chuyện cuộc đời âm nhạc với Jazz của Quyền Văn Minh đã được Tan-Tangbau dẫn dắt, kết nối với không khí chính trị xã hội chung của Việt Nam trong mối liên quan với tình hình thế giới khi còn chia hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, khi còn hoàn cảnh Chiến tranh lạnh, cũng như với tình hình khu vực khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa.
Những hoạt động văn chương nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, trong các bối cảnh đó là những chỉ dấu, những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong quan niệm, trong sự định hướng của các nhà lãnh đạo đất nước. Jazz cũng như các loại nhạc ngoại lai khác vào Việt Nam thời trước bị chịu sự kiểm duyệt khắt khe theo ý thức hệ. Khi đất nước đổi mới, cái nhìn định hướng có thông thoáng, cởi mở hơn, thì Jazz và các loại nhạc khác dần được chấp nhận và phổ biến. Nhưng vẫn có những sự e dè, thận trọng nhất định mà câu chuyện của Quyền Văn Minh đã cho thấy.
Tan-Tangbau nói rõ cuốn sách này không phải là một nghiên cứu toàn diện về nhạc Jazz ở Việt Nam từ trước tới nay. Đây chỉ là chuyện cuộc đời Quyền Văn Minh, một người gắn đời mình với Jazz, nhưng là người có thể được ghi công cho "toàn bộ sự phát triển của Jazz" để nó trở thành một dòng nhạc chính thống thực thụ ở một quốc gia. "Trong trường hợp của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, những nỗ lực của Minh đã khơi mở động lực, từ việc biểu diễn Jazz trước công chúng tới việc dạy Jazz, cả chính thống và phi chính thống, tất cả đã đóng góp vào những cố gắng định hình một giọng điệu nguyên bản của Việt Nam để biểu diễn cùng những kết cấu âm thanh đa dạng của Jazz thế giới, và quan trọng nhất, tạo nên một không gian công cộng cho các nhạc sĩ chơi Jazz và người Việt nghe Jazz." (tr. 16).
Sách được chia làm 13 chương với tên gọi mỗi chương là "Bản nhạc" kèm số thứ tự. Đầu mỗi chương - bản nhạc có một tóm tắt ngắn về bối cảnh của câu chuyện được kể trong chương đó. Đây là cuốn sách đọc thích thú và bổ ích.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 30/11/2022