Trong lịch sử nước ta đã xảy ra một tấn thảm kịch khốc liệt dưới triều vua Lê Thái Tông giữa thế kỷ XV với tên gọi trong sử sách và dân gian là "Vụ án Lệ Chi Viên". Năm 1442, nhà vua hai mươi tuổi rời kinh đô đi duyệt quân ở Chí Linh (Hải Dương) rồi đến thăm vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ tại Côn Sơn (Quảng Ninh), sau đó về nghỉ đêm tại hành cung ở khu vườn vải (tên chữ là Lệ Chi Viên), bắt Nguyễn Thị Lộ đi cùng đoàn tuỳ giá. Trong đêm đó nhà vua qua đời. Các phe phái ở triều đình lâu nay ghen ghét, muốn tìm cách hãm hại Nguyễn Trãi, đã đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Từ đó Nguyễn Trãi bị xử án tru di tam tộc (giết cả ba họ).
THỊ LỘ CHÍNH DANH
Tác giả: Võ Khắc Nghiêm
San Hô & Nhà xuất bản Thanh Niên, 2022
Số trang: 453 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 258.000đ
Tấn thảm kịch này đã được văn chương hiện đại nói đến nhiều. Các tác phẩm thơ, kịch, truyện đều đặt Nguyễn Trãi làm nhân vật trung tâm để đề cao đức độ, tài năng của ông, làm bật lên tội ác khủng khiếp của các gian thần dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông đối với một bậc đại khai quốc công thần của nhà Hậu Lê mà đến thế kỷ XX đã được nhân loại vinh danh là danh nhân văn hoá thế giới. Nhưng còn Nguyễn Thị Lộ thì ít được nói đến và có nói cũng chỉ một chiều theo hướng tiêu cực. Trong dân gian lan truyền bài thơ "Bán chiếu gon" của bà đối đáp với Nguyễn Trãi buổi đầu hai người gặp nhau ở Hồ Tây. Rồi đến cái tích "Rắn báo oán" gán cho bà âm mưu ma quỷ để làm hại Nguyễn Trãi. Còn trong bộ sử chính thức của nhà Lê "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" sử thần Ngô Sĩ Liên đã hạ bút bàn về tấn thảm kịch này như sau: "Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi. Thái Tông yêu nó làm thân phải chết. Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?".
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm phản đối lời phán xét đó của Ngô Sĩ Liên. Ông viết: "Cứ theo cách ghi này thì không hề có vụ án Lệ Chi Viên và Nguyễn Thị Lộ chẳng liên quan gì mà chỉ được Thái Tông "ưa, liền cợt nhả" thôi. Việc "vua đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất", hay tại bất cứ nhà ai, thì người chịu trách nhiệm phải là quan Ngự Y đã không ngăn được bạo bệnh, chứ sao ghép tội cho Nguyễn Trãi được? Chỉ có vậy thôi mà lời bàn mang tính áp đặt bộc lộ sự hằn học của sử gia Ngô Sĩ Liên." (tr. 443).
Võ Khắc Nghiêm tìm thấy một lời đánh giá khác của một sử thần cũng thời nhà Lê là Vũ Quỳnh trong bộ "Đại Việt Thông Giám Thông Khảo": "…Thị Lộ đã cảm hoá được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước…" Ông nhìn Thị Lộ theo cách nhìn này và lấy đây làm nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử của mình về bà. Theo ông, có một Thị Lộ có danh có phận trong lịch sử dân tộc với tước "Lễ Nghi Học Sĩ" được vua ban. Bà đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuẩn bị kiến thức trị nước cho hoàng tử Lê Nguyên Long lên làm vua Lê Thái Tông và cùng chồng mình là Nguyễn Trãi đã giúp rập cho vua khi ở ngai vàng. Việc vua Lê Thái Tông bị băng hà tại Lệ Chi Viên, theo ông, là một âm mưu triều chính do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu để cướp ngôi về cho con mình là Lê Bang Cơ (Lê Nhân Tông). Đó là một vụ án tày đình đã được xếp đặt xảo quyệt khiến các đại thần sáng suốt cũng phải khoanh tay sợ hãi mặc cho một mụ đàn bà lộng quyền, tác oai tác quái, dập tắt một ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Đại Việt. Sử lâu nay vẫn coi như vậy và Võ Khắc Nghiêm cũng theo hướng đó. Ông viết cuốn tiểu thuyết này là để chính danh cho một Thị Lộ chính danh đã bị oan khốc.
Vì vậy Võ Khắc Nghiêm đã xây dựng nhân vật Thị Lộ vừa dân dã vừa bác học, vừa thôn quê vừa cung đình, có đủ sắc tài, đức độ, sánh được với Nguyễn Trãi, gần được với nhà vua. Sắc đẹp của bà là thế này: "Thị Lộ có một cơ thể đẹp hiếm thấy, chân dài, lưng ngắn, ngực to, mông mẩy, mặt trái xoan, cổ cao, trán cao, mắt to, môi mọng, mũi dọc dừa, cằm tròn, da trắng như vỏ trứng gà, dáng đi khoan thai, giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng." (tr. 224).
Đặc biệt dưới ngòi bút Võ Khắc Nghiêm, Thị Lộ hiện ra là một người đàn bà dồi dào sinh lực, tràn đầy xuân tình. Ở bên nàng, Nguyễn Trãi luôn khát khao và luôn được thoả mãn, làm thăng hoa cảm xúc trí tuệ cho ngòi bút thoả sức gọi dậy những tầng tầng lớp lớp câu chữ, dù là khi viết bài đại cáo hùng hồn hay khi viết những trang dư địa chí thâm sâu. Trong cuốn tiểu thuyết của Võ Khắc Nghiêm, Thị Lộ được sống nồng nàn chan chứa cái đời đàn bà của mình, khiến người mình yêu, mình trọng luôn thấy hưng phấn. "Nguyễn Trãi vuốt tóc Thị Lộ, nhẹ nhàng thơm vào má vào cổ nàng rồi bất thần đầy nàng ra giường, lần tay cởi yếm, tụt váy, hôn hít, vuốt ve bộ ngực, cặp đùi trắng mịn. Thị Lộ vội cởi áo, cởi quần cho chồng, ưỡn người, dơ cao hai chân quặp chặt hai vai chồng. Mùi thơm từ thân thể nàng toả ra thật dễ chịu, phảng phất mùi trầm, mùi hương nhu, mùi lá sả, lá bưởi trộn lẫn vào nhau. Nàng thường gội đầu bằng bồ kết, hương nhu, tắm bằng nước lá sả, lá bưởi, hoa nhài. Nhà không hề đốt trầm mà sao da thịt nàng lại toả ra mùi trầm mỗi lần hưng phấn. Cơ địa nàng thật đặc biệt, không lần nào không co bóp chặt như lúc còn trinh tiết vậy…" (tr. 223-224) Nhà tiểu thuyết thả trí tưởng tượng của mình theo nhân vật để khẳng định điều ông tin là sự thật lịch sử.
Ông còn đi xa hơn trong tiểu thuyết khi cho Nguyễn Trãi ghen với Thị Lộ và hai người làm thơ giải toả cơn ghen cho nhau. Ông Trãi hơn bà Lộ hai chục tuổi thì như những con người bình thường họ có ghen tuông nhau một chút có sao đâu, huống chi lúc này ông đã về trí sĩ tại Côn Sơn, còn bà vẫn ở tại triều ngày ngày ra vào tiếp xúc với vua, được vua sủng ái. Nhưng lại có điều tưởng đã là sự thật lịch sử lâu nay thì nhà văn bây giờ không cho là phải. Như với trường hợp "Lê Lai liều mình cứu chúa", giả làm Lê Lợi để đánh lừa giặc Minh trong tình cảnh nghĩa quân bị bao vây tứ bề, tưởng đã bị quân Minh mắc lừa bắt được giết ngay. Nhưng theo tác giả thì không phải vậy, mà Lê Lai bị bắt đưa về giam trong thành Đông Quan. Khi nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan, tổng đốc Vương Thông giữ thành buộc phải thả một số tù binh để cầu hoà, trong đó có Lê Lai. Thấy Lê lai vừa ra khỏi thành đã ngông cuồng, huênh hoang, đòi chia nửa giang sơn với Lê Lợi, Lê Sát đã cho giết chết và quẳng xác xuống sông. Đây là sự thực hay là hư cấu? Không biết. Chỉ biết là sử không chép sau khi khoác áo long bào đóng giả Lê Lợi lừa giặc thì số phận Lê Lai về sau thế nào. Cũng như sử nhà Trần đã không chép chút gì về số phận nàng công chúa An Tư sau khi đem thân mình ra làm "mỹ nhân kế" cho Thoát Hoan ở bờ sông Hồng để giúp cho hai cha con vua Trần có cơ hội chạy thoát khỏi Thăng Long. Ở những điểm mờ điểm tối này của lịch sử, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử phải đưa sự ức đoán, phỏng định của mình vào. Như một giả thiết!
Hiện nay, ở miền Bắc đã có một hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, họ muốn lục lại lịch sử, minh oan và làm rạng danh cho bà Lộ. Đền miếu thờ bà tại Khuyến Lương, nơi ngày trước có ngôi nhà của bà và ông Trãi, cũng như tại làng Hới quê hương bà ở Tân Hưng (Thái Bình), luôn đỏ hương khói. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã góp vào cuộc phục hồi lịch sử đó bằng mười lăm năm cuộc đời mình để nghiền ngẫm và viết ra cuốn tiểu thuyết này. Sách đã ra lần đầu năm 2015, nhưng ông vẫn trăn trở. Đến tận những ngày cuối đời ông vẫn còn thao thức, hồi hộp trước trang viết và số phận của nhân vật. Ông còn muốn Thị Lộ phải chính danh, sáng danh đàng hoàng trên sân khấu và màn ảnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.