Bùi Thị Xuân (1752 – 1802) là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, cuộc đời và sự nghiệp vợ chồng vị nữ tướng này (chồng bà là Trần Quang Diệu) gắn liền với những chiến công hiển hách và thăng trầm của triều đại Tây Sơn. Tuy nhiên, dù có chí khí như bà Trưng bà Triệu, nữ tướng vẫn không ngăn được sự sụp đổ tất yếu của vương triều Tây Sơn. Vậy, vì sao Bùi Thị Xuân lại để mình rơi vào tay quân Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long), và Nguyễn Ánh đã “xử lí” bà sau đó như thế nào? Hi vọng bài viết nhỏ này có thể giải đáp phần nào những câu hỏi trên đây. Cần lưu ý, vì tư liệu về nhà Tây Sơn là rất ít ỏi, nên đa phần những chi tiết trong bài viết này, nếu không được ghi chép trong sử Nguyễn (tức Ngụy Tây Liệt Truyện), thì đều là lời kể lại của các giáo sĩ Tây phương, hoặc của nhân dân đương thời.
Đầu năm Nhâm Tuất (1802), vua Bửu Hưng nhà Tây Sơn (tức Quang Toản) mở một đợt tiến công tổng lực vào Trấn Ninh, Ðâu Mâu, Nhật Lệ, đây là ba căn cứ quân sự rất trọng yếu ở trấn Thuận Hóa, nhưng trước sức mạnh áp đảo đến từ phía Nguyễn Ánh, chiến dịch này đã thất bại nặng nề.
Trần Quang Diệu khi đó đang cố thủ ở Quy Nhơn, được tin quân Tây Sơn bị thua thảm, Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa thì thất kinh, ông bèn bàn cùng các tướng rằng:
“Binh mã đã bị hao ở Trấn Ninh và Nhật Lệ quá nhiều, lực lượng ở Bắc Thành nay không còn mấy. Nếu Nguyễn Ánh kéo quân đến đánh thì Bắc Thành không thể trì thủ được lâu. Ta phải đem quân về cứu, kẻo Bắc Thành thất thủ nữa thì Quy Nhơn có giữ vững cũng không ích gì. Vậy nên bỏ thành Quy Nhơn”
Nói xong, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An, khi đó là tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802). Ðường đi hết sức khó khăn và nguy hiểm, nên đoàn tùy tùng Trần Quang Diệu bị hao hụt dần dần. Khi đến Nghệ An, mười phần chỉ còn lại ba bốn. Tướng sĩ hầu hết đều bị sốt rét rừng. Trần Quang Diệu thì bị phù thũng, đi đứng cũng đã bội phần khó khăn. Trần Quang Diệu kéo quân xuống Hương Sơn. Tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Ðức Ðịnh dẫn Man binh đến đánh bất thình lình. Trở tay không kịp, quân sĩ bị giết sạch! Trần Quang Diệu cùng các bộ tướng Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Ðiềm, Nguyễn Văn Miên, Võ Văn Dũng đều bị bắt.
Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay tin chồng đã bị bắt giữ, liền đem đội nữ binh đi giải cứu. Ðến Giáp Sơn thì giải cứu được. Nhưng vừa chạy đến sông Thành Chương thì bị quân nhà Nguyễn chặn đánh. Quân Tây Sơn liều chết giải vây cho chủ tướng. Nhưng quân Nguyễn quá đông, quân Tây Sơn dần dần bị yếu thế. Các tùy tướng lớp bị chết, lớp bị bắt trở lại. Chỉ có Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng thoát khỏi. Song Trần Quang Diệu kiệt sức đi không nổi nữa. Nữ tướng phải lo bảo vệ chồng, không rảnh tay chống cự cùng binh tướng nhà Nguyễn, nên cả hai vợ chồng đều bị bắt. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng đều bị đóng cũi giải về Nghệ An nộp cho Nguyễn Ánh. Dọc đường Võ Văn Dũng phá cũi thoát thân được, Bùi nữ tướng do không nỡ bỏ chồng, nên chấp nhận ở lại để cùng chết.
Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh trở về Phú Xuân, đem vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù. Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác đều bị voi chà, hoặc trảm quyết. Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Nguyễn Ánh đã dùng hình phạt khốc liệt nhất cổ kim từng có!
Người ta truyền rằng, do vốn nghe danh nữ kiệt từ lâu, Nguyễn Ánh ra lệnh đem bà đến để xem mặt, và tự đắc hỏi:
“Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?”
Nữ kiệt ung dung đáp:
“Nói về tài ba thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ. Còn nhà ngươi bị đánh phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Ðức, tôi nhà ngươi vậy. Còn nhà ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém cũng rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu tiên đế ta đừng mất sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này”
Nguyễn Ánh hỏi gằn:
“Nhà ngươi có tài sao không được giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh (tức Quang Toản)?”
Nữ kiệt đáp:
“Nếu có thêm một nhi nữ như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không dễ gì mà lạnh. Cửa Nhật Lệ không để lạnh, thì nhà ngươi cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà này”
Nguyễn Phúc Ánh hỏi có muốn xin ân xá không? Nữ kiệt đáp:
“Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế như ngươi?”
Nguyễn Ánh căm gan, dằn từng tiếng:
“Không chịu nhục? Ta sẽ làm cho mi biết nhục”
Liền truyền lệnh: Ðem Bùi Thị Xuân về Bình Ðịnh, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa đẩy đi khắp các nơi thị tứ. Sau đó nữ kiệt lại bị giải về Phú Xuân, Nguyễn Ánh hỏi:
“Ðã biết nhục chưa?”
“Nhục nào có vương vào thân ta, mà chính đang đổ lên đầu nhà ngươi đấy, con người tánh độc hơn sài lang, lòng nhớp hơn cẩu trệ”
Nguyễn Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của nữ kiệt đem ra giết trước mặt nữ kiệt: Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ. Nữ kiệt hét lớn:
“Con nhà tướng không được khiếp nhược”
Người con gái nghe vậy liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rĩ. Ðến lượt nữ kiệt. Chúng trói nữ kiệt để nằm ngửa trên cỏ. Ba hồi trống dứt, một con voi to lớn hung hăng chạy đến, giơ chân toan chà. Nữ kiệt trợn mắt hét một tiếng như sấm nổ. Con voi thất kinh thối lui. Bị nài giục, voi bước tới một lần nữa, nhưng vừa bước tới liền dừng bước ngay, thúc mấy cũng không dám tiến. Lính lấy giáo đâm, voi thét lên một tiếng rồi bỏ chạy. Nguyễn Ánh tức mình, sai dùng hình phạt điểm thiên đăng. Chúng lấy vải nhúng sáp nóng đem quấn khắp mình nữ kiệt, rồi đem cột nữ kiệt nơi trụ sắt dựng giữa trời. Ðoạn châm lửa đốt. Nữ kiệt bình tĩnh, nét mặt không chút thay đổi. Lửa cháy phừng phực từ dưới lên trên, sáng chói thấu mây. Lửa cháy hồi lâu. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng một tiếng nổ... sọ nữ kiệt vỡ, chấm dứt cuộc đời một bậc hào kiệt trong nữ giới!