Hành trình đăng cơ rích rắc của ông vua bù nhìn Đồng Khánh

N.N Thứ ba, ngày 29/11/2022 21:31 PM (GMT+7)
Theo sử cũ thì Đồng Khánh là ông vua quá nhu nhược, từng bước nhượng bộ quân Pháp và cuối cùng là chấp nhận sự bảo hộ của chính phủ Pháp để trở thành một ông vua bù nhìn.
Bình luận 0

Theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, sau khi thất bại trong việc cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình chiêu dụ vua Hàm Nghi về hàng, chính phủ Pháp đã truất phế vua Hàm Nghi và thỏa thuận với Tam cung đưa hoàng tử Chánh Mông Ưng Đường, con ruột của Kiên Thái Vương và là con nuôi thứ hai của vua Tự Đức lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

Hành trình đăng cơ rích rắc của ông vua bù nhìn Đồng Khánh - Ảnh 1.

Đồng Khánh là một vị vua bù nhìn của triều Nguyễn.

Tại sao triều đình nhà Nguyễn khi đó lại đồng ý lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Vì Đồng Khánh có nghĩa là: “Đồng” là chung, “Khánh” là niềm vui mừng. Cả triều đình Huế khi đó cùng với chính phủ Pháp kỳ vọng Đồng Khánh lên ngôi là niềm hài hòa giữa hai bên! Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Vì sau khi vua Dục Đức và vua Hiệp Hòa bị phế và giết, triều đình và hoàng tộc nhà Nguyễn khi đó đã có ý kiến chọn Chánh Mông Ưng Đường lên nối ngôi, nhưng vì do hai vị Phụ chánh đại thần lúc đó là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không bằng lòng. Một lý do nữa là có nhiều đại thần thân với Pháp lo ngại Chánh Mông Ưng Đường đã lớn tuổi nên có thể khó bảo. Do đó, triều đình đã chọn người em là Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc) khi đó mới 13 tuổi lên ngôi. Kiến Phúc mất thì lại cho Ưng Lịch (không phải con nuôi vua Tự Đức) lúc đó mới 14 tuổi lên thay. Cuối cùng, sau khi truất phế vua Hàm Nghi, ngai vàng đang bỏ trống nên triều đình và chính phủ Pháp đành phải chọn Chánh Mông Ưng Đường khi đó đã 22 tuổi lên nối ngôi.

Trước khi chọn Chánh Mông Ưng Đường, triều đình Huế và chính phủ Pháp cũng đã thỏa thuận khá kỹ. Riêng bà Từ Dũ Hoàng Thái hậu (mẹ Tự Đức) cùng một số hoàng thân và phụ chính đại thần Nguyễn Hữu Độ đã chọn Chánh Mông là vì có lý do khác. Lý do đó là Chánh Mông khi ấy đang là con rể của Nguyễn Hữu Độ. Còn phụ chính đại thần Phan Đình Bình và một số người khác thì lại chọn Hoàng tử Bửu Lân (con của vua Dục Đức, cháu ngoại của Phan Đình Bình). Vì lý do này mà sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã nuôi một mối thâm thù với họ Phan, dẫn đến cái chết bi thảm của Phan Đình Bình sau này.

Khi đã quyết định chọn người kế vị ngôi vua rồi, tướng De Courcy đại diện cho chính phủ Pháp và triều đình Huế sắp xếp mọi việc lập một chương trình để đưa Đồng Khánh lên ngôi: Ngày 14/9/1885, vua Đồng Khánh vào đại nội. Ngày 17/9/1885, Tam cung từ Khiêm Lăng về đại nội. Ngày 19/9/1885, lễ tuyên phong vua Đồng Khánh. Lúc 8 giờ 30 ngày 14/9/1885, tướng De Courcy và Sampo đi hai bên vua Đồng Khánh từ sông Hương tiến vào đại nội. Dọc đường có lính đứng chào, cử quốc ca Pháp và bắn 21 phát đại bác chào mừng. Ngày 17/9/1885, điện Thái Hòa trang hoàng lộng lẫy. Lúc 8 giờ, tướng De Courcy và bộ tham mưu đến. Vua Đồng Khánh niềm nở rời ngai vàng bước xuống thềm bắt tay phái đoàn Pháp và mời vào trong điện. Tướng Pháp đọc lời chúc mừng, Đồng Khánh tỏ lòng biết ơn và hứa trung thành với chính phủ Pháp. Tướng De Courcy duyệt binh xong ra về. Ngày 19/9/1885, Đồng Khánh lên ngồi trên ngai để các quan văn, võ lạy mừng, chúc tụng và lễ đăng quang chấm dứt.

Lời bàn:

Sự éo le của lịch sử có lúc thật trớ trêu. Đặc biệt là với triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Đồng Khánh. Vì vua Đồng Khánh và vua Hàm Nghi là hai anh em ruột bỗng dưng lại trở thành thù địch của nhau. Một điều đặc biệt nữa của lịch sử nhà Nguyễn trong giai đoạn này là gia đình Kiên Thái Vương lại có ba anh em ruột lần lượt làm vua: Kiến Phúc (Ưng Đăng), Hàm Nghi (Ưng Lịch), Đồng Khánh (Ưng Đường) vì vậy dân gian lại có câu ca dao: “Một nhà sinh được ba vua. Vua sống, vua chết, vua thua chạy dài”. Vua sống là vua Đồng Khánh (ở ngôi được 3 năm), vua chết là vua Kiến Phúc (ở ngôi được 7 tháng), vua thua chạy dài là Hàm Nghi (ở ngôi được một năm rồi bị phế vì tổ chức Cần Vương chống Pháp).

Cứ theo sử cũ thì Đồng Khánh là ông vua quá nhu nhược, từng bước nhượng bộ quân Pháp và cuối cùng là chấp nhận sự bảo hộ của chính phủ Pháp để trở thành một ông vua bù nhìn. Tiếc rằng người ngồi trên ngai vàng đã vậy, nhưng các đại thần và hoàng thân quốc thích của nhà Nguyễn khi đó không còn lấy một ai nhận ra nỗi nhục mất nước, nỗi khổ của kẻ làm nô lệ và đặc biệt là không biết nhục với tổ tiên cùng các bậc tiền nhân. Chính vì thế mà thời gian ở ngôi của vua Đồng Khánh là một chấm đen trong lịch sử dân tộc và hậu thế không được phép quên nỗi đau này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem