Chuỗi biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt kịp nền kinh tế thời chiến của Nga
Cuộc tấn công Ukraine của Nga bắt đầu vào cuối tháng 2 năm 2022 đã phá vỡ trật tự an ninh châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh và viết lại hoàn toàn mối quan hệ EU-Nga đã hình thành trong hơn ba mươi năm qua. Trong ba thập kỷ, nền tảng của những mối quan hệ đó là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và năng lượng.
Giờ đây, khi Nga đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở châu Âu, tất cả các lĩnh vực quan hệ đã bị địa chính trị hóa nghiêm trọng. Thông qua tám gói trừng phạt toàn diện được EU thông qua, các quốc gia thành viên của liên minh này đã và đang cắt đứt một cách có hệ thống tất cả các mối quan hệ kinh tế. Việc châu Âu sớm tách khỏi dầu khí của Nga đã chấm dứt nhiều năm kết nối và các mối quan hệ năng lượng đôi bên cùng có lợi. Điều này sẽ gây áp lực lên mô hình kinh tế của Nga và đẩy nước này hướng về Trung Quốc và châu Á nói chung nhiều hơn.
Vì thế, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập vào tháng trước một hội đồng mới để điều phối nguồn cung cấp cho quân đội Nga, dường như ông ấy đã nhận ra quy mô của các vấn đề kinh tế mà đất nước phải đối mặt và có thể thấy rõ cảm giác cấp bách của ông.
Ông nói: "Chúng ta phải nhanh hơn trong việc quyết định các câu hỏi liên quan đến việc cung cấp cho hoạt động quân sự đặc biệt, và chống lại các hạn chế đối với nền kinh tế, điều mà không hề phóng đại, thực sự chưa từng có".
Trong nhiều tháng, Putin tuyên bố rằng, "chiến dịch kinh tế chớp nhoáng" chống lại Nga đã thất bại, nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine đang đào sâu hơn vào nền kinh tế Nga, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thiết bị cho quân đội, và cản trở khả năng tiến hành bất kỳ cuộc tấn công mặt đất mới quy mô lớn nào của nước này.
Các số liệu gần đây cho thấy, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể kể từ mùa hè qua, khi nền kinh tế Nga dường như ổn định nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt ổn định. Số liệu do Bộ Tài chính Nga công bố tuần trước cho thấy một chỉ số kinh tế quan trọng - doanh thu thuế từ lĩnh vực phi dầu mỏ và khí đốt đã giảm 20% trong tháng 10 so với một năm trước đó, trong khi cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat báo cáo rằng, doanh số bán lẻ giảm 10% hàng năm vào tháng 9 và doanh thu hàng hóa giảm 7%.
Vladimir Milov, cựu thứ trưởng năng lượng Nga, hiện là chính trị gia đối lập hàng đầu cho biết: "Tất cả các chỉ số khách quan đều cho thấy hoạt động kinh tế Nga đang sụt giảm rất mạnh. Vòng xoáy đang leo thang, và không có cách nào thoát khỏi điều này ngay lúc này".
Lệnh cấm nhập khẩu công nghệ của phương Tây đang ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi việc Điện Kremlin huy động hơn 300.000 lính nghĩa vụ Nga đến phục vụ tại Ukraine, cùng với sự ra đi của nhiều người Nga bỏ trốn sang nước ngoài, tất cả đã giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa.
Ngoài ra, những hạn chế của chính Putin đối với nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, sau vụ nổ không rõ nguyên nhân của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, đã dẫn đến sản lượng khí đốt giảm mạnh - giảm 20% trong tháng 10 so với năm trước. Trong khi đó, doanh số bán dầu sang châu Âu đang giảm mạnh trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu dự kiến được áp dụng từ ngày 5/12.
Những vấn đề sâu xa hơn cũng đang rình rập trong lĩnh vực ngân hàng của Nga, Ngân hàng Trung ương Nga đã báo cáo trong tuần này rằng một lượng ngoại tệ mạnh kỷ lục 14,7 tỷ đô la đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Nga trong tháng 10, trong bối cảnh gia tăng lo lắng về huy động quân sự và tình trạng bất ổn của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, một báo cáo vào tháng 11 của Ngân hàng Trung ương đã cảnh báo rằng, GDP của Nga sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh hơn 7,1% trong quý IV năm 2022, cao hơn so với mức giảm 4,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, khi nền kinh tế Nga chính thức bước vào suy thoái, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina nói với các nhà lập pháp rằng, năm tới tình hình có thể còn đen tối hơn. "Chúng ta thực sự cần nhìn nhận tình hình một cách tỉnh táo và mở rộng tầm mắt. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi hiểu điều đó", cô nói.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế đã "xấu đi không thể cứu vãn" hoạt động xuất khẩu của Nga và hoạt động nhập khẩu vào nước này đã "suy giảm phần lớn"
Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, nền kinh tế Nga đã bị "tê liệt nghiêm trọng" bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự ra đi ồ ạt của các công ty quốc tế.
Nghiên cứu của Yale, cho biết các biện pháp trừng phạt quốc tế đã "xấu đi không thể cứu vãn" hoạt động xuất khẩu của Nga và hoạt động nhập khẩu vào nước này đã "suy giảm phần lớn".
Điều này đã dẫn đến "sự thiếu hụt nguồn cung trên diện rộng" bên trong Nga, và khiến việc sản xuất trong nước, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu trong tất cả các ngành công nghiệp, nay đã và đang bị đình trệ.
"Bất chấp ảo tưởng của Putin về khả năng tự cung tự cấp và thay thế nhập khẩu, sản xuất trong nước của Nga đã đi vào bế tắc hoàn toàn và không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài bị mất". Nhóm nghiên cứu của Yale viết: "Việc rút cạn cơ sở sản xuất và đổi mới trong nước của Nga đã dẫn đến giá cả tăng vọt và sự lo lắng của người tiêu dùng".
Theo các nhà nghiên cứu, vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu cũng đã bị giáng một đòn thật mạnh.
"Vị trí chiến lược của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu hàng hóa đã xấu đi một cách không thể cứu vãn, vì nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng yếu thế với việc mất các thị trường chính trước đây, và đối mặt với những thách thức lớn khi thực hiện chính sách 'xoay trục sang châu Á".
Tổng thống Nga đang bối rối trước tác động ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt
Thông báo của Putin vào tháng 9 về việc huy động một phần quân đội đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý kinh doanh. Janis Kluge, cộng tác viên cao cấp tại Viện An ninh và Các vấn đề Quốc tế của Đức cho biết: "Đối với nhiều công ty Nga, thực tế của cuộc chiến đã chìm sâu vào tâm trí họ. Rõ ràng là điều này sẽ tiếp tục trong một thời gian dài. Bây giờ kỳ vọng kinh tế còn tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến vào lúc mùa hè vừa qua.
Việc ông Putin thành lập hội đồng điều phối, đứng đầu là Thủ tướng Mikhail Mishustin, là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga đang bối rối trước tác động ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt. Ông Sergei Guriev, hiệu trưởng tại Science Po của Pháp, cho biết Putin "lo ngại rằng ông ấy cần phải can thiệp để đảm bảo nguồn cung cấp sẽ có sẵn. Ông ấy lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt đã thực sự ảnh hưởng đến khả năng tự sản xuất hàng hóa".
Nhiều luật mới sẽ áp dụng các khoản tiền phạt nặng đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga từ chối thực hiện mệnh lệnh cho quân đội Nga
Nó cũng cho thấy chính phủ Nga đang chuẩn bị huy động nền kinh tế Nga rộng rãi hơn để cung cấp cho quân đội trong bối cảnh thiếu hụt kinh niên các mặt hàng hàng hóa cơ bản như thực phẩm và đồng phục. Các luật mới sẽ áp dụng các khoản tiền phạt nặng đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp từ chối thực hiện mệnh lệnh cho quân đội Nga, cũng như có thể bị phạt tù, dọn đường cho các doanh nhân bị áp lực phải cung cấp hàng hóa với giá hạ thấp hơn. Nikolai Petrov, nhà nghiên cứu cấp cao về Nga và Á-Âu tại Chatham House, cho biết việc thành lập hội đồng này "liên quan đến áp lực lớn đối với doanh nghiệp và nhu cầu thực thi một quy định cứng rắn để buộc doanh nghiệp làm những gì họ không muốn làm".
Một doanh nhân ở Moscow có mối liên hệ với lĩnh vực quốc phòng cho biết, nền kinh tế Nga đã được huy động một cách thầm lặng từ lâu, với nhiều doanh nhân buộc phải sản xuất vật tư cho quân đội Nga nhưng sợ phải lên tiếng phản đối các đơn đặt hàng với mức giá cắt giảm.
"Điều này trở nên cần thiết ngay từ đầu khi chiến sự bắt đầu", doanh nhân này nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù. "Phần lớn hoạt động kinh doanh đều im lặng. Nếu bạn nói rằng bạn đang sản xuất vật tư hoặc vũ khí cho nhà nước Nga thì bạn có thể gặp vấn đề ở nước ngoài".
Phơi bày sự thiếu hụt và tham nhũng nghiêm trọng trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga
Bằng chứng mang tính giai thoại được đăng tải trên báo chí Nga đã chỉ ra những vấn đề to lớn trong việc cung cấp thiết bị cho những người lính mới nhập ngũ của Nga. Một báo cáo chuyên sâu vào tháng 10 trên tờ nhật báo Kommersant của Nga đã mô tả tình trạng thiếu hụt lớn về đạn dược và nguồn cung cấp đồng phục cho lính nghĩa vụ, với việc các nhà sản xuất viện dẫn những khó khăn trong việc đảm bảo các vật liệu cần thiết do lệnh trừng phạt.
Các giám đốc điều hành doanh nghiệp khác của Nga cho biết, thất bại quân sự của Nga ở Ukraine đã phơi bày sự thiếu hụt và tham nhũng nghiêm trọng trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga. "Có những câu hỏi lớn về việc tất cả hàng nghìn tỷ rúp trong thập kỷ qua đã được sử dụng ở đâu", một cựu giám đốc ngân hàng cấp cao của Nga có quan hệ với nhà nước Nga cho biết.
Nếu hội đồng kinh tế mới không điều phối tốt hơn việc sản xuất vật tư và vũ khí, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc tiến hành các cuộc tấn công mới ở Ukraine, Petrov nói. "Vấn đề chính trước mắt của Điện Kremlin là câu hỏi khi nào quân đội sẽ sẵn sàng bắt đầu hành động quân sự mới quy mô lớn ở Ukraine, và việc chuẩn bị vũ khí, đạn dược, v.v. sẽ quyết định những kế hoạch này".
Các nhà kinh tế cho biết, triển vọng có thể trở nên tồi tệ hơn khi lệnh cấm vận của EU đối với việc bán dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12 tới đây. Kết hợp với mức giá áp trần dự kiến sẽ được áp dụng đối với tất cả doanh số bán dầu của Nga bên ngoài EU, biện pháp này có thể khiến ngân sách Nga mất ít nhất 120 triệu đô la doanh thu mỗi ngày, Milov nói, và ngân sách Nga dự kiến sẽ thâm hụt thêm nữa vào cuối năm nay.
Một sự thay đổi mô hình: Quan hệ EU-Nga sau chiến sự ở Ukraine
Cuộc chiến cho thấy, EU cần có những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mới để đối phó với Nga trong một thực tế an ninh hoàn toàn khác, nhằm thay đổi chính nước Nga và tác động đến khả năng hành động của nước này trong khu vực lân cận chung. Sự thay đổi chính sách như vậy có lẽ là không thể tránh khỏi:
EU hiện cần duy trì sự thống nhất mà họ đã tạo dựng được sau cuộc chiến Ukraine để đối mặt với ba thách thức lớn liên quan đến Nga. Thứ nhất, EU phải xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh đối với Nga trên cơ sở rằng liên minh này hiện là một tác nhân địa chính trị và Nga là mối đe dọa lớn đối với an ninh châu Âu.
Thứ hai, EU phải đề ra các chính sách chủ động hơn để hội nhập khu vực láng giềng phía Đông bên ngoài nước Nga. Và thứ ba, EU phải thiết kế một chính sách mới đối với Nga, cứng rắn tối đa đối với chế độ của Tổng thống Vladimir Putin trong khi vẫn duy trì ý tưởng về một nước Nga hậu Putin là một phần của châu Âu.
Nga chịu đựng suy thoái kinh tế chỉ được trong 'hai năm'
Một trong những đồng tác giả của báo cáo, giáo sư quản lý Jeffrey Sonnenfeld, gần đây đã nói với Đài phát thanh Times của Anh rằng, nền kinh tế Nga chỉ có thể "sống sót với những khó khăn khủng khiếp trong hai năm hoặc lâu hơn một chút", miễn là phương Tây vẫn kiên quyết áp dụng các biện pháp trừng phạt. Các chuyên gia thương mại khác cho rằng sự sụp đổ kinh tế Nga hoàn toàn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
"Về lâu dài, Nga sẽ không hơn gì một trạm xăng cho Trung Quốc... nhưng cũng rất khó lập luận rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ hoàn toàn sau hai năm nữa", Rolf J. Langhammer, chuyên gia thương mại người Đức và là cựu phó thủ tướng, kiêm chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW-Kiel) cho biết tuyên bố.
Huỳnh Dũng- Theo Washingtonpost/Nytimes/ Carnegieeurope/Euronews/DW