Dân Việt

3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt nào?

Q.Trung 02/12/2022 17:29 GMT+7
Nguyễn Thị Mai Nhi, 39 tuổi, và 2 trợ lý khác của bà Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc giúp sức thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài. Những người này có thể bị xử lý thế nào?

3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố

Tối 1/12, Công an TP.HCM cho biết kết quả điều tra mở rộng vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, TGĐ Công ty cổ phần Đại Nam), cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, ngụ quận 12), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Dương) đã giúp sức tích cực cho bà Hằng, thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.

3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Lê Thị Thu Hà (Facebook cá nhân Ha Lee) làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cơ quan điều tra, Nhi, Hà và Tân là trợ lý của bà Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam, đã "thực hiện hành vi giúp sức tích cực" cho bà Hằng trong quá trình phạm tội. Việc giúp sức diễn ra liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.

Những người này đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok; đăng tải thời gian, chủ đề bà Hằng sẽ livestream; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà chủ Đại Nam livestream; đăng tải nội dung xúc phạm các nạn nhân trên trang cá nhân...

Việc giúp sức của Nhi, Hà, Tân chỉ dừng lại đến khi bà Hằng bị bắt tạm giam hồi tháng 3.

Trách nhiệm hình sự mà 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng có thể đối mặt

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi  lợi dụng quyền tự do dân chủ đưa thông tin trái phép trên mạng Internet của bà Nguyễn Phương Hằng diễn ra liên tục trong thời gian dài.

Điều đáng nói là hành vi không chỉ có một mình bà Hằng thực hiện mà còn có rất nhiều người cùng tham gia cổ suý, tung hô, có dấu hiệu của hành vi giúp sức, xúi giục.

Bởi vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố thêm 3 đồng phạm khác về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ là điều đã được nhiều chuyên gia pháp lý dự báo từ trước và có căn cứ.

Vị chuyên gia cho biết, theo quy định của pháp luật, đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm.

Về mặt lý luận, đồng phạm có thể tồn tại ở dạng đồng phạm giản đơn hoặc là tội phạm có tổ chức. Đồng phạm giản đơn là những người có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự cấu kết chặt chẽ với nhau.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Trong nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đó, mỗi đối tượng có thể thực hiện với những vai trò khác nhau, làm tăng tính chất nguy hiểm của vụ án hình sự, gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sự việc.

Bởi vậy bộ luật hình sự quy định, người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Ông cường cho rằng, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định bà Nguyễn Phương Hằng là người chủ mưu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.

Hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên bà hằng có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.

Còn những người xúi giục, giúp sức cho bà Hằng (3 trợ lý vừa bị khởi tố) thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích của các tổ chức cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với vai trò đồng phạm và cũng có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.