Sáng 4/12, theo thông tin PV Dân Việt thu thập, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi".
Được biết đề tài do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Lý Sơn chủ trì thực hiện, với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, triển khai trong 40 tháng (kể từ tháng 7/2019).
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của trung tâm đã điều tra, đánh giá đặc điểm sinh học, sinh sản, hiện trạng nguồn lợi, tình hình khai thác và tái tạo nguồn lợi cua dẹp tại huyện Lý Sơn.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, cua dẹp ở Lý Sơn được phân bố ở đảo Lớn (trung tâm huyện), trên diện tích 2,4ha và đảo Bé, với 11,2ha. Tại thời điểm thực hiện đề tài, trọng lượng cua dẹp đã khảo sát gần 75g/con.
Mùa khai thác cua dẹp ở Lý Sơn diễn ra từ tháng 7 năm trước, kéo dài đến tháng 2 năm, với khoảng 100 người trực tiếp tham gia khai thác. So với thời gian trước đó, mấy năm gần đây sản lượng khai thác cua dẹp hàng năm đã suy giảm mạnh, từ 30 - 40%, có nơi suy giảm đến 70%.
Về cách nuôi, cua dẹp được đánh giá là loài vật ăn tạp, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, tỷ lệ sống cao; mật độ nuôi thích hợp từ 5 - 7 con/m2.
Tại buổi họp, các thành viên trong Hội đồng đánh giá đề tài đạt, hoàn thành cơ bản các nội dung, đảm bảo mục tiêu, khối lượng và chất lượng các sản phẩm đề ra.
Tuy nhiên, đề tài vẫn còn một số hạn chế, cần phải tiếp tục rà soát, chỉnh sửa; một số nội dung chưa đảm bảo theo quy định của báo cáo khoa học; đề tài chưa nêu rõ ý nghĩa khoa học và thực tiễn; vai trò quản lý và chức năng tham gia của chính quyền địa phương?...
Các thành viên trong Hội đồng còn đề nghị nhóm nghiên cứu giải đáp lý do cua dẹp có tỷ lệ sống cao, nhưng sinh trưởng chậm; nguyên nhân khiến cho sản lượng và kích cỡ chưa đảm bảo; vì sao kỹ thuật nuôi, tốc độ tăng trưởng của cua nuôi tự nhiên và nuôi trong bể lại tương đồng nhau đến gần 90%...
Được biết cua dẹp (còn gọi là cua đá), sinh sống khá phổ biến ở 2 đảo Bé và đảo Lớn của huyện Lý Sơn. Trong những năm gần đây, trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, lại khai thác theo cách tận diệt, dẫn đến số lượng cua tự nhiên giảm sút mạnh, có nguy cơ tuyệt chủng.
Vì vậy việc triển khai, thực hiện đề tài nêu trên là cơ sở khoa học, góp phần bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững loài cua dẹp trong thời gian đến ở đảo này.