Dân Việt

Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển bớt hoạt động sản xuất sang Việt Nam và các nước Châu Á khác

V.N (Theo WSJ) 04/12/2022 15:55 GMT+7
Trong những tuần gần đây, Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc và yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch chi tiết hơn để lắp ráp sản phẩm tại những nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam.

Theo Wall Street Journal, những người tham gia thảo luận việc điều hướng sản xuất cho biết Apple cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp Đài Loan do Tập đoàn Công nghệ Foxconn dẫn đầu.

Ý định đưa một phần chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc đã nhen nhóm từ lâu, nhưng giờ đây Apple đang chủ động hơn với ý định này.

Tại Trung Quốc,  có tới 300.000 công nhân làm việc tại một nhà máy do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu để sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, có lúc riêng nhà máy này đã chiếm khoảng 85% dòng sản phẩm iPhone Pro.

Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển bớt hoạt động sản xuất sang Việt Nam và các nước Châu Á khác - Ảnh 1.

Theo các nhà phân tích và những người trong chuỗi cung ứng của Apple, năm qua đã xảy ra các sự kiện khiến vị thế của Trung Quốc là một trung tâm sản xuất ổn định trở nên suy yếu. Các biến động đó khiến Apple không còn cảm thấy thoải mái khi hoạt động kinh doanh bị ràng buộc quá nhiều ở một nơi. Vì thế họ muốn chuyển sản xuất của mình không chỉ ra nước ngoài, mà còn cả tới những nơi khác ở Trung Quốc. 

WSJ dẫn lời những người thạo tin cho biết, Apple đã thông báo với các đối tác sản xuất của mình rằng họ muốn bắt đầu thử sản xuất nhiều hơn bên ngoài Trung Quốc. Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết, Apple đã giao cho các nhóm làm việc với các nhà thầu về việc biến các bản thiết kế và nguyên mẫu thành kế hoạch sản xuất chi tiết - một quá trình gọi là NPI. 

Tuy nhiên việc này không dễ dàng. Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết, trừ khi những nơi như Ấn Độ và Việt Nam cũng có thể làm được NPI, nếu không họ sẽ vẫn bị mắc kẹt ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và việc tuyển dụng tại Apple chậm lại, khiến Apple gặp khó khăn trong việc phân bổ nhân sự cho NPI làm việc với các nhà cung cấp mới và các quốc gia mới.

Apple và Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ gắn bó với nhau trong một mối quan hệ mà cho đến nay, hầu hết là cùng có lợi. Thay đổi sẽ không đến một sớm một chiều. Apple vẫn phải tung ra các mẫu iPhone mới mỗi năm, bên cạnh các bản cập nhật ổn định của iPad, máy tính xách tay và các sản phẩm khác. Apple phải tiếp tục giữ cho việc hoạt động bình thường trong khi tìm nơi sản xuất mới. 

Kate Whitehead, cựu giám đốc điều hành của Apple, hiện đang sở hữu công ty tư vấn chuỗi cung ứng riêng, cho biết: “Việc tìm kiếm tất cả các mảnh ghép để xây dựng ở quy mô mà Apple cần là không dễ dàng”.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang diễn ra, được thúc đẩy bởi hai nguyên nhân: Một số thanh niên Trung Quốc không còn háo hức làm việc với mức lương khiêm tốn để lắp ráp thiết bị điện tử cho những người giàu có. Hơn nữa chính sách zero Covid của Trung Quốc vẫn khiến Apple và các công ty nước ngoài khác lo lắng.