Không phải ngẫu nhiên, 2/3 trận đấu của Croatia tại vòng bảng khép lại hiệp 1 mà không có bàn thắng nào được ghi. Đó là những trận đấu Croatia gặp phải các đối thủ chơi khá toan tính và chính họ cũng đặt sự an toàn của mình lên hàng đầu.
Croatia sở hữu nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm và biết cách điều tiết lối chơi, trong đó nổi bật là nhạc trưởng Luka Modric. Mỗi khi không thể đẩy cao tốc độ hoặc vấp phải lối đá rát, Croatia sẵn sàng đưa trận đấu vào thế "cù cưa", chỉ tranh chấp ở khu vực giữa sân mà không tỏ ra vội vã. Trận duy nhất của Croatia có bàn thắng trong hiệp 1 chủ yếu do Canada đã chơi quá cởi mở và bất ngờ có bàn thắng mở tỷ số từ sớm nên Croatia không thể hãm tốc độ trận đấu lại.
Về phía Nhật Bản, cả 3 trận đã qua tại bảng E, họ đều không ghi được bàn thắng trong 45 phút đầu tiên. Trước các đội mạnh như Đức hay Tây Ban Nha, ưu tiên của Nhật Bản là phòng ngự nên họ khó tổ chức lên bóng với sự nguy hiểm cần thiết. Lúc chạm trán Costa Rica, ĐT Nhật Bản dường như không quen chơi áp đặt nên cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Với tính chất "một mất, một còn", cả Croatia và Nhật Bản sẽ phải dè chừng lẫn nhau. Nhật Bản có lẽ vẫn chơi phòng ngự - phản công, còn Croatia sẽ phải rút kinh nghiệm từ 2 "tấm gương" Đức, Tây Ban Nha để không mắc phải sai lầm tương tự trước "Samurai Xanh".
Hiệp một trận đấu này sẽ mang tính chất thăm dò, rình rập. Cả 2 đội thi đấu với trạng thái sợ thua hơn quyết tâm chiếm lợi thế sớm nên sẽ không có nhiều cơ hội dứt điểm nguy hiểm được tạo ra và 45 phút đầu tiên dễ kết thúc với tỷ số 0-0.
Nhật Bản: Gonda; Yoshida, Taniguchi, Itakura; Morita, Ao Tanaka, Junya Ito, Y Nagatomo; Maeda, Kamada, Kubo.
Croatia: Livakovic; Lovren, Juranovic, Gvardiol, Sosa; Modric, Kovacic, Brozovic; Perisic, Kramaric, Livaja.