UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND thành phố xin ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP.HCM cho biết do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên thành phố vẫn giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất liên tục trong ba năm 2020, 2021, 2022.
Được biết, hệ số K tương ứng từ 1,5 - 2,5 lần so với bảng giá đất tùy theo nhóm và khu vực. Trong khi đó, giá đất trên thị trường liên tục biến động theo chiều hướng tăng trong suốt thời gian qua.
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định tuy vẫn còn khó khăn nhất định nhưng hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế đã hồi phục và tăng trưởng tích cực hơn. Do vậy, thành phố dự kiến sẽ tăng hệ số điều chỉnh giá đất trong năm 2023.
Theo đó, UBND TP.HCM cho biết đa số ý kiến đề xuất mức tăng từ 1,0 - 3,0, một số ý kiến đề xuất mức 0,5. Qua xem xét đánh giá tác động nhiều mặt, UBND TP dự kiến sẽ quy định hệ số K năm 2023 tăng 1.0 so với năm 2022 (tương ứng hệ số từ 2,5 - 3,5 lần so với bảng giá đất).
Số liệu thống kê dữ liệu giá đất đã định giá theo giá thị trường và dữ liệu thị trường xây dựng bảng giá đất 2022 - 2024 do các cơ quan chức năng thu thập thì mức giá áp dụng theo hệ số quy định của năm 2022 đang ở mức từ khoảng 10,5 đến 35,7% so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường.
UBND TP cho rằng nếu hệ số K tăng lên 1,0 thì mức giá theo hệ số sẽ ở mức từ 18% đến 50% so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường (tỷ lệ tùy theo khu vực, mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất).
Đặt trong sự so sánh với hệ số K để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có thu hồi đất trên địa bàn thì hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính bồi thường đất ở mức từ 4-15 lần so với bảng giá đất. Trong khi đó, hệ số K dự kiến ban hành áp dụng trong năm 2023 theo UBND TP mặc dù có tăng nhưng chỉ ở mức hệ số 2,5 - 3,5 lần.
Ngoài ra, UBND TP cũng đánh giá việc điều chỉnh tăng hệ số K không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức mà chỉ ảnh hưởng đối với hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất vượt hạn mức theo quy định.
Đối với trường hợp thuê đất hoặc giao đất không qua đấu giá có giá (theo bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên thì nghĩa vụ tài chính về đất đai được xác định thông qua việc thẩm định giá đất cụ thể theo giá thị trường, không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất.
Đối với các trường hợp khu đất có giá dưới 30 tỷ đồng thì mới áp dụng bảng giá đất nhưng TP cho rằng khi áp dụng hệ số K năm 2023 thì cũng thấp hơn rất nhiều lần so với việc xác định giá đất theo giá thị trường.
"Việc dự kiến tăng hệ số K năm 2023 lên 1,0 lần so với hệ số K năm 2022 có ảnh hưởng gián tiếp nhưng không đáng kể đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản cũng như không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế, xã hội của TP", UBND TP.HCM nêu.
Trước đó, tháng 8 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có thu hồi đất trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo đó, đất ở tùy quận, huyện có hệ số điều chỉnh gấp 2-15 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất (tối đa 15 lần) là huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và TP.Thủ Đức. Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì được tính bằng từ 60%-80% giá đất ở tùy theo loại đất. Đất nông nghiệp tại TPHCM có hệ số cao từ 5-35 lần giá nhà nước. Nơi có hệ số cao nhất, tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11.