Những ngày đầu tháng 12/2022, chúng tôi có chuyến khảo sát qua các xã Lâm Sơn, Hòa Sơn, Quảng Sơn của huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) và ghi nhận cảnh người nông dân trồng mì đứng ngồi không yên vì cây mì nhổ lên bị thối củ hàng loạt. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều bà con không nén được tiếng thở dài vì năng suất mì bị sụt giảm tới gần 50% so với mọi năm...
Chiều muộn, tranh thủ được ngày nắng ráo, anh Nguyễn Thanh Bình ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cùng vợ Nguyễn Thị Kim Hồng thuê 3 lao động tất bật thu hoạch sớm ruộng mì gần 3ha của gia đình.
Chị Hồng cho biết, dù cây mì chưa đủ ngày tuổi nhưng gia đình vẫn phải thu hoạch vì nếu càng để lâu, củ mì càng bị thối. Mì bị thối củ thì năng suất và chất lượng độ bột sẽ càng giảm, giá bán sẽ càng thấp hơn.
Theo chị Hồng, nếu như mọi năm, trung bình 1ha mì của gia đình sẽ cho sản lượng khoảng 15 tấn. Tuy nhiên, năm nay sản lượng chỉ còn 50%, nhiều cây mì khi nhổ lên củ đã bị thối hết phân nửa, có cây bị thối củ hoàn toàn, chỉ còn trơ gốc...
Chung cảnh ngộ đó, nông dân Trương Thanh Châu, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn cũng đang đứng buồn rầu trước rẫy mì gần 1ha của gia đình.
Theo ông Châu, gia đình ông đã trồng mì hơn một năm qua, giờ thu hoạch nhiều củ bị thối nên sản lượng chỉ còn 8 tấn, giảm 50% so với năm trước.
"Năm nay chi phí trồng mì cái gì cũng tăng, từ phân thuốc đến công lao đồng đều tăng trong khi giá bán mì lại không tăng là bao. Bỏ vốn gần 35 triệu đồng để đầu tư trồng mì từ tháng 2/2022, đến nay gia đình tôi chỉ thu lại được vốn. Bao nhiêu công cán gia đình bỏ ra suốt một năm coi như mất trắng...", ông Châu chia sẻ với giọng chán nản.
Một số người dân địa phương cho biết, cây mì là cây chịu hạn nên rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng "thiếu mưa thừa nắng", trồng trên đất vùng này rất phù hợp. Nhưng năm nay thời tiết lại thất thường, mưa lớn kéo dài vào những tháng cuối năm, đúng thời gian cây mì tích độ bột để thu hoạch nên dẫn đến tình trạng thối củ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ mì.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, hiện giá củ mì được một số doanh nghiệp ở địa phương thu mua từ 2.000 – 2.200 đồng/kg tùy vào độ bột. Giá này tuy có tăng nhẹ và ổn định so với cùng kỳ năm trước nhưng bà con không mấy mặn mà do sản lượng mì sụt giảm nghiêm trọng vì tình trạng thối củ. Ngoài ra, với giá bán như trên, bà con cho biết vẫn không có lời vì năm nay chi phí phân bón, nhân công đều tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước.
"Giá mì đầu vụ tuy ổn định nhưng nông dân chẳng thể vui được khi giá phân bón và các chi phí khác đều tăng gấp đôi, thấp chí gấp 3 so với mọi năm. Hơn nữa, năm nay cây mì bị thối củ quá nặng nên nông dân coi như mất trắng, không còn đồng lời để đón Tết" - chị Hồng thở dài.
Clip Ninh Thuận Nông dân kêu trời vì nhổ mì lên toàn bị thối củ
Theo ông Hoàng Lê Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn), những năm qua cây mì là một trong hai cây trồng chủ lực của nông dân địa phương giúp bà con xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
"Tuy nhiên, năm nay xảy ra tình trạng cây mì bị thối củ khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lúc cận Tết Nguyên đán sắp tới như hiện nay do thời gian qua mưa nhiều quá. Hiện toàn xã có hơn 1.200 ha trồng mì với năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha, tuy nhiên năm nay diện tích bị thối củ khá nhiều nên năng suất có thể giảm mạnh...", ông Hoàng Lê Phú nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đăng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn cho biết, để hạn chế thiệt hại, hiện nay chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung thu hoạch sớm số diện tích mì ở vùng trũng thấp.
"Ngành nông nghiệp và chính quyền đang phối hợp với công ty chế biến tinh bột mì ở địa phương tăng công suất thu mua mì tươi cho bà con nông dân. Trong đó ưu tiên mua những trường hợp mì bị ngập úng, trũng thấp để hạn chế bớt thiệt hại cho bà con nông dân...", ông Dương Đăng Minh cho biết.
Để cây mì phát triển bền vững, ngành NNPTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó định hướng phát triển cây mì của tỉnh đến năm 2025 là ổn định diện tích gieo trồng khoảng 5.120 ha, sản lượng đạt 111,3 nghìn tấn, tập trung ở địa bàn 2 huyện Ninh Sơn (3.400ha) và Bác Ái (1.500 ha).
Tập trung xây dựng vùng trồng mì nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã liên kết theo hợp đồng nông sản với doanh nghiệp chế biến tinh bột mì.
Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống và quy trình canh tác bền vững vào sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trống mì. Đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu mì trong nước và từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập.
Phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm từ mì phục vụ cho công nghiệp chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.