Ngày 7/12, Hội nghị "Cải cách Hải quan và Triển vọng thương mại" do Bộ Tài chính và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) đồng tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị đã quy tụ hơn 200 đại diện các bộ, ngành, hiệp hội thương mại và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh thời gian qua, ngành hải quan đã thưc hiện nhiều cải cách để thúc đẩy xuất nhập khẩu, thương mại. Theo đó, các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi chính là "đòn bẩy" tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Hải quan, các năm gần đây, triển vọng thương mại Việt Nam có sự tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo thống kê, năm 2020, năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD).
Ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, USAID đã hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Những nỗ lực chung này đã giúp các thương nhân tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Sự tham gia của khối doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò quan trọng để tiếp nối những thành công. USAID trông đợi sẽ có thêm nhiều sự chung tay mạnh mẽ để tiếp tục nguồn động lực này.
Kể từ năm 2018, Dự án USAID TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Trong khi đó, ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm khoảng 15%.
Theo ông Claudio Dorrdi, cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (PMU) nhận định, cùng với sự phát triển về thương mại, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cho cơ quan hải quan phải kịp thời cải cách, đổi mới. Cơ quan hải quan phải nghiên cứu, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đồng thời vẫn thực hiện được những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn.
Song song với đó, hải quan còn thực hiện những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn. Cơ quan hải quan tiếp tục nâng cấp hệ thống thông quan, giảm thời gian, bớt phiền hà cho doanh nghiệp.