Tuổi thơ của thầy Nguyễn Công Minh – giáo viên dạy Toán, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM) thiệt thòi, bởi không có điều kiện đầy đủ để học tập. Thầy Minh chia sẻ: “Khi vào đại học, tôi được học trong điều kiện tốt, cơ sở vật chất, phòng học hiện đại. Ngoài ra, thầy cô truyền cảm hứng giúp tôi nỗ lực, rèn luyện kiến thức sau khi ra trường trở thành một thầy giáo có chuyên môn vững để giảng dạy”.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán - Trường ĐH Sài Gòn, thầy Minh về công tác tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Là một giáo viên trẻ vốn rất đam mê với nghiên cứu khoa học cũng như giáo dục STEM, thầy Minh đã đề xuất với nhà trường thành lập câu lạc bộ STEM.
Thầy Minh chia sẻ: “Triết lí giáo dục STEM là đề cao thực học; rèn luyện tinh thần tự học và chủ động tìm kiếm thông tin cho học sinh. Đồng thời, việc thành lập câu lạc bộ STEM ngay trong trường giúp người dạy dễ dàng tiếp cận với học sinh; tận dụng cơ sở vật chất tại trường để khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo. Đặc biệt, tôi muốn câu lạc bộ STEM là nơi có thể giúp học sinh giảm áp lực sau những giờ học trên lớp”.
Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, thầy Minh đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm nghiên cứu các dự án nhỏ như làm mạch đèn tắt sáng tự động, mạch dò điện xoay chiều.
Thông qua các dự án, học sinh sẽ được trải nghiệm các công việc đặc trưng của một nghề nghiệp: nghề điện – điện tử, lập trình, lập trình nhúng, thiết kế phần cứng, thiết kế phần mềm, ngành tự động hóa, robot, quản lý dự án,... Từ đó các em tìm hiểu được nghề nghiệp mình mong muốn sau này và xây dựng kế hoạch học tập để thực hiện hóa ước mơ của mình. Đồng thời, các em biết được những năng lực của bản thân để quá trình chọn nghề trong tương lai phù hợp với năng lực.
Nhằm mang đến sự phong phú về chủ đề trong giáo dục STEM phong phú, thầy Minh miệt mài nghiên cứu, làm việc ngoài giờ cũng như trích một phần tiền lương của mình để mua thiết bị để phục vụ quá trình nghiên cứu của thầy trò.
Thầy Minh cho biết thêm: “Bản thân người giáo viên cũng cần phải học tập để không ngừng để mở rộng kiến thức chuyên môn và kiến thức ở các ngành liên quan. Trước mỗi dự án khi gặp khó khăn mình phải kiên nhẫn để nghiên cứu.
Đặc biệt, bản thân mình giáo viên chủ nhiệm câu lạc bộ STEM phải là người làm gương để truyền cảm hứng cho học sinh và hơn thế nữa mình phải làm thực tế mới có thể gỡ rối cho học sinh khi các em khó khăn.
Nếu những vấn đề nào mà bản thân mình chưa biết hoặc chưa rõ mình cũng sẽ nghiên cứu, hỏi đồng nghiệp hay những chuyên gia trong các lĩnh vực để hỗ trợ các em”.
Theo chia sẻ của nam sinh Dương Nghiệp Quý – lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM): “Lần đầu tiên em gặp thầy Minh là khi tham gia câu lạc bộ STEM của trường. Sau một thời gian học tập, sinh hoạt tại câu lạc bộ với thầy em thực sự rất ấn tượng bởi cách làm việc cũng như hiểu biết của thầy.
Qua một số dự án, em mới hiểu được khả năng sáng tạo, tinh thần nghiên cứu, làm việc nghiêm túc, cầu thị không ngại học hỏi khi gặp khó khăn của thầy. Nhiều lúc nghiên cứu đề tài gặp khó khăn, muốn bỏ cuộc, thầy đã trở thành nguồn động lực để em thúc đẩy cố gắng. Thầy là người cỗ vũ em học về code, kỹ thuật; là người đầu tiên em có thể chia sẻ về lập trình mạch điện tử.
Mặc dù không phải lúc nào thầy cũng ở bên đội thi nhưng lúc nào cần thầy cũng hỗ trợ bằng hình thức online hoặc offline. Cuộc thi đó bọn em tham gia với đề tài 'Máy đo nhiệt độ chống Covid thông minh' và đạt giải nhì.
Đối với chúng em thầy Minh không chỉ đơn thuần là thầy giáo mà còn là người anh, người bạn đồng hành cùng chúng em trong quảng thời gian học THPT".
“Các bài học trong giáo dục STEM chúng tôi thiết kế theo tiêu chí không ranh giới: không giới hạn khối lớp, không giới hạn môn học, không giới hạn trong 4 bức tường nhằm rèn luyện tinh thần khoa học. Đối với các môn học về Toán học + Mỹ thuật + Vật lý + Công nghệ + Tin học được lồng ghép và kết hợp để giải quyết và thực hiện các chủ đề STEM, giúp không học vẹt mà hiểu bản chất sâu vấn đề”, thầy Nguyễn Công Minh chia sẻ.