Tranh cãi tên gọi Đại học và Trường Đại học: "Cứ lúng túng mãi cái tên mà quên mất điều quan trọng"

Tào Nga Thứ tư, ngày 07/12/2022 10:18 AM (GMT+7)
Việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia cho rằng, có một điều khác quan trọng hơn là cái tên.
Bình luận 0

Đại học với Trường Đại học ở Mỹ có gì khác nhau?

Tiến sĩ Y Sinh học Phạm Đức Hùng hiện đang sinh sống tại TP.Cincinnati, Ohio, Mỹ và làm việc ở Bệnh viên Nhi Cincinnati, Ohio. Trước khi nhận học bổng trao đổi nghiên cứu tại Harvard, năm 2003 anh Hùng từng đạt Giải nhất quốc gia môn Hoá, tuyển thẳng vào ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 2008, anh trở thành thủ khoa toàn khối ngành Dược, ĐH Y Dược TP.HCM và nhận học bổng thạc sĩ Erik Bleumink, ĐH Groningen, Hà Lan; học bổng trao đổi nghiên cứu ĐH Cambridge, Anh; học bổng trao đổi nghiên cứu ĐH Harvard, Mỹ; học bổng Tiến sĩ DBOF của ĐH KU Leuven - top 1 nước Bỉ; phần thưởng Bursary Award của FWO, Bỉ; tổ chức chống động kinh ILAE, Mỹ, IBE, châu Á.

Tranh cãi Đại học với Trường Đại học: "Cứ lúng túng mãi cái tên mà quên mất điều quan trọng" - Ảnh 1.

Tiến sĩ Y Sinh học Phạm Đức Hùng. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được đưa lên làm Đại Học Bách Khoa Hà Nội với tranh cãi sự khác nhau giữa Trường Đại học và Đại học, ở Mỹ, liệu có hệ thống phân chia có giống thế này không? Câu trả lời của Tiến sĩ Hùng là có và cũng không.

Theo Tiến sĩ Hùng, trước hết cần phân biệt hai khái niệm University và College.

University: Là nơi đào tạo cấp cử nhân (4 năm), có cả các trung tâm/trường (gọi đơn giản là School) dạy cấp sau Đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ), và nghiên cứu.

College: Là nơi đào tạo chương trình cử nhân 4 năm, một số College nhỏ hơn thì họ chỉ dạy chương trình 2 năm hoặc 3 năm (gọi là Community College). Ở Việt Nam, dịch College là "Cao đẳng" (chỉ dạy nghề từ 3 năm trở xuống) là không đúng, thực ra Cao đẳng phải là Community College.

Vì vậy University lớn hơn và dạy đa cấp đa ngành hơn College. Trong University có College, ngược lại College không thể chứa University.

Ví dụ điển hình nhất như Harvard University (Đại học Harvard) là một hệ thống giáo dục bậc cao cực lớn. Trong Harvard University có Harvard College là nơi đào tạo cấp cử nhân, có khoảng 6.600 sinh viên trong Harvard College, sau khi học xong 4 năm sẽ được bằng cử nhân.

Ngoài Harvard College, Harvard University còn có hệ thống 12 trường sau Đại học (gọi là Graduate School) và 1 viện nghiên cứu gọi là Harvard RadCliffe Institute.

Như vậy có thể thấy hệ thống Đại học Mỹ (ngoại trừ một số ngoại lệ) thì sẽ được chia theo chiều ngang: là cấp cử nhân (gọi là College) và cấp sau Đại học (gọi chung là Graduate School), ở cấp sau Đại học thì mới chia theo chiều dọc, tức chia theo lĩnh vực (Nghệ thuật, Y học, Nha khoa, Luật, Thiết kế…).

"Cái tên không quá quan trọng"

Theo Tiến sĩ Hùng, nếu đối chiếu như trên thì "Đại học" ở Việt Nam có lẽ là "University" ở Mỹ, còn các " Trường Đại học" thì có lẽ là từ "College" và "School" gộp lại. Chỗ không thể so sánh ở đây là các "Trường Đại học" ở nước ta chia theo chiều dọc ngay từ đầu.

Tranh cãi Đại học với Trường Đại học: "Cứ lúng túng mãi cái tên mà quên mất điều quan trọng" - Ảnh 2.

So sánh Harvard University và Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Ví dụ: Đại học Cần Thơ có 4 trường, gồm Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế và Trường Nông nghiệp (trên cơ sở khoa Nông nghiệp). Trong mỗi "Trường", có thể đào tạo cả cấp cử nhân và một số mã ngành (chứ không phải tất cả) được đào tạo cấp sau Đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ).

"Viết như vậy cho mọi người dễ hình dung còn so sánh 2 hệ thống giữa 2 quốc gia quả là vô cùng khó. 

Theo tôi, không nên tranh cãi tên Trường đại học hay Đại học mà là quan tâm đến quyền lợi của người học được hưởng thế nào sau khi chuyển đổi", Tiến sĩ Hùng bày tỏ.

Một chuyên gia giáo dục cũng nêu quan điểm: "Đại học và Trường Đại học - tất cả có lẽ bắt nguồn từ việc thành lập 2 Đại học Quốc gia (trùm lên các đại học vốn có, sau được gọi là: trường đại học thành viên trong một đại học quốc gia) để tập trung nguồn lực phát triển mạnh hơn. 

Ở Pháp vừa "gom" một loạt các trường đại học tổ chức thành một đại học để phù hợp tiêu chuẩn ranking, nâng thứ hạng cạnh tranh và đầu tư tốt hơn. Vậy là việc nhập-tách vì mục tiêu nào đó ở đâu cũng có. Có khác là họ không đặt khái niệm Đại học và Trường Đại học, mà xác định luôn là có Đại học và các Đại học thành viên.

"Chúng ta cứ lúng túng mãi cái tên. Thay vì phân biệt Đại học và Trường Đại học sao không đơn giản hơn gọi các đơn vị này là các Đại học trọng điểm thuộc khối G7 hay G8 theo cách Trung Quốc có "C9 League", Australia có "Group of Eight", hay "Ivy League" của Mỹ... Theo tôi, quan trọng là mô hình và làm gì với mô hình đó, còn tên gọi thế nào cũng không quá quan trọng", chuyên gia giáo dục này nói.

Chuyển Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Clip: TH NHân Dân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem