Dân Việt

Long đong đời công nhân cuối năm (Bài 3): Khóc “đã”, rồi đứng lên

Mỹ Quỳnh - Nha Mẩn 14/12/2022 06:31 GMT+7
Thông thường, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tất bật với đơn hàng tết, công nhân tăng ca liên tục để kịp tiến độ. Dù vất vả, nhưng vì một cái tết ấm no, công nhân vẫn vui vẻ và hăng say làm việc.

Sau đợt dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của thế giới, tưởng rằng kinh tế sẽ phục hồi và quay trở lại guồng cũ. Nhưng khó khăn vẫn liên tiếp ập đến khi nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… không có đơn hàng, phải co hẹp sản xuất, nhiều công nhân bị nghỉ việc hoặc làm luân phiên.

Hàng ngàn lao động mất việc cuối năm

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 28 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Trong đó, số lao động bị mất việc đã gần 3.000 người. 

Hàng ngàn công nhân mất việc cuối năm: Khóc “đã” rồi đứng lên - Ảnh 1.

Hàng ngàn công nhân mất việc đúng vào dịp cuối năm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tính đến nay, toàn thành phố có khoảng 155 doanh nghiệp với hơn 50 ngàn người lao động bị ảnh hưởng, thu nhập của người lao động bị giảm sâu.

Trong khi đó, tại Long An, từ tháng 6/2022 đến nay, toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Các doanh nghiệp này đều có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, cao su… Trong đó, tổng số lao động bị cắt giảm việc làm là 1.383 người.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm (tạm hoãn, nghỉ không hưởng lương) vào khoảng 37.000 người, gần 250.000 người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc dẫn đến thu nhập giảm sâu.

Khóc "đã" rồi đứng lên

Là công nhân gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) hơn 8 năm, chị T.G không khỏi sốc, hụt hẫng khi bị mất việc vì công ty này không có đơn hàng, phải co hẹp sản xuất. 

Chị cho biết, dù đã chuẩn bị tâm lý rồi nhưng khi thực sự đối diện với cảnh chia tay, chị G và nhiều công nhân khác đã òa khóc nức nở. Theo chị, công nhân khóc vì tiếc nuối và cũng vì lo lắng cho tương lai, chưa biết sẽ đi đâu về đâu khi mất việc cuối năm.

Hàng ngàn công nhân mất việc cuối năm: Khóc “đã” rồi đứng lên - Ảnh 3.

Công nhân khóc ròng trong ngày chia tay tại Công ty TNHH Tỷ Hùng. Ảnh: CNCC

"Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng ai cũng có chung gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Do đó, mất việc làm cũng giống như tiếng sét ngang tai vậy. Nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy buồn bã chẳng giải quyết được gì, nên tôi khóc một lần cho đã rồi gạt nước mắt để tiếp tục tìm kiếm công việc khác", chị G nói.

Cũng theo chia sẻ của chị G, từ khi làm việc tại công ty tới nay, chị chưa cảm thấy bất mãn điều gì. Tất cả các chế độ lương thưởng, chăm lo cho công nhân đều được công ty thực hiện rất tốt. 

Khi gặp khó khăn, buộc phải cắt giảm hơn một ngàn lao động nhưng công ty vẫn chi trả quyền lợi cho công nhân đúng quy định, Công đoàn cũng hỗ trợ tiền và quà. Số tiền lương, trợ cấp mất việc cũng đủ để công nhân duy trì sinh hoạt trong thời gian tìm việc mới.

Còn chị Lan Huệ - công nhân một công ty may ở quận Bình Tân cho hay, mất việc thời điểm cuối năm, nhiều công nhân chọn cách về quê nghỉ tết sớm, hoặc về quê tìm cơ hội việc làm mới. Nhưng đa số vẫn bám trụ lại thành phố, tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập vì vẫn còn hơn một tháng mới tới tết. 

Tuy nhiên, người nào may mắn thì tìm được công việc mới liền không bị gián đoạn. Người nào chịu khó thì phải đi khá xa, qua các quận khác hoặc TP.Thủ Đức để làm; thiếu may mắn thì chưa tìm được việc, phải nhận hàng gia công về nhà làm tạm… dù thu nhập rất thấp.

Hàng ngàn công nhân mất việc cuối năm: Khóc “đã” rồi đứng lên - Ảnh 5.

Nhiều người chấp nhận làm thời vụ, buôn bán nhỏ hoặc nhận hàng về nhà gia công trong thời gian chờ xin việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài những công nhân đang cố gắng tìm công việc để kiếm thu nhập, bươn chải trong thời điểm cuối năm, cũng có rất nhiều người đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần. 

Vợ chồng anh T.Đ (công nhân may tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, công ty gặp khó, buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Đây là điều mà cả chủ doanh nghiệp lẫn công nhân không mong muốn. Mất việc, đồng nghĩa với việc sẽ không có thu nhập, không có tiền trang trải chi phí thuê trọ, ăn học của con và sinh hoạt hàng ngày… Vợ chồng anh Đ phải lập tức tìm công việc mới.

Theo anh Đ, khó khăn của nhiều công nhân khi tìm việc mới là ngại di chuyển vì đã quen ở một nơi, nhà cửa hay con cái ăn học cũng đã ổn định. Tuy nhiên, thời thế buộc thay đổi, phải tự đứng lên để tìm hướng đi mới cho mình. 

"Nếu may thì tìm việc gần khu vực đang sinh sống, còn không thì phải chấp nhận đi xa hơn thôi, miễn là có việc làm", anh Đ nói.

Đón đọc bài 4: Nỗ lực để công nhân có Tết