NGƯT. PGS Nguyễn Cảnh Lương là giảng viên dạy Toán được nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội yêu mến, quý trọng.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Lương cho biết, năm 1984, thầy chính thức về dạy tại khoa Toán, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Kể từ ngày đó, hình ảnh 6 chiếc bảng chi chít chữ luôn gắn bó với thầy.
Thầy Lương kể, sau khi tốt nghiệp phổ thông, thầy sang Hungary học Toán và quá quen với hình ảnh giảng đường với 10 chiếc bảng. Trở về Việt Nam, cụ thể là ở Đại học Bách khoa Hà Nội, việc thầy giáo viết kín 6 bảng là "chuyện thường ngày", mặc dù có thể khiến nhiều sinh viên trường khác phải choáng váng.
Sẽ có không ít người thắc mắc: Tại sao phải nhiều bảng thế? Đại học chứ có phải phổ thông đâu? Thời đại công nghệ rồi... nhưng thầy Lương vẫn trung thành với chiếc bảng của mình. Thầy giãi bày: "Không phải trong 1 tiết viết đầy 6 bảng mà phải là 3 tiết. Học Toán, nếu tiết sau sinh viên chưa nhớ được kiến thức của tiết trước, nhìn lên bảng là có. Làm thế mình vất vả, nhưng sinh viên sẽ theo dõi kịp, nhìn được tổng thể, hiệu quả giờ giảng sẽ cao hơn".
Để viết được kín 6 bảng như thế, thầy Lương cũng phải mất nhiều năm trời đúc rút, học hỏi kinh nghiệm. Không phải điều gì cũng đưa hết lên bảng mà người thầy phải biết mình nói gì, viết gì để bắt đầu ở đầu bảng 1 và kết thúc cuối cùng ở bảng 6, không thừa không thiếu.
Nếu để nhàn hơn một chút thì thầy có thể dùng slide. Nhưng slide trôi qua rồi, sinh viên không nhớ slide trước là gì cả, không theo dõi kịp. Vì vậy, đầu tiên thầy viết ở góc trên cùng bên trái và cứ đặt dấu chấm ở góc cuối cùng bên phải là "vừa xinh" hết tiết thứ 3.
Sự chăm chút, tỉ mỉ trong từng bài giảng của thầy tất cả vì muốn sinh viên hiểu rõ hơn, nắm vững kiến thức hơn. Và trên tất cả, đó là niềm đam mê, nhiệt huyết của một người thầy giáo với nghề. Dù trong hoàn cảnh nào, đã đứng trên bục giảng là đem hết tâm huyết với học trò.
Khi được PV hỏi thầy có nhớ bức ảnh này được chụp năm nào không, thầy Lương tươi cười trả lời: "Tôi không biết ảnh chụp năm nào và do ai chụp". Thầy không biết tác giả bức ảnh là sinh viên nào và thầy cũng không nghĩ rằng bức ảnh này trở nên "hot" trên mạng khi khiến không ít người ngưỡng mộ cả thầy và trò ở Trường Đại học Bác Khoa.
Được biết, thầy Lương về dạy tại trường từ năm 1984 đến tháng 3/2022 về hưu, thế nhưng suốt 44 năm làm giảng viên, điều khiến mọi người nể phục là thầy chưa bao giờ bỏ dạy, kể cả khi rất bận với công việc quản lý. Trong tuần, ít nhất thầy cũng dạy một buổi vào đầu giờ, từ 7h kém 15 đến 8h kém 15, sau đó đi họp và làm việc quản lý.
Với PGS Nguyễn Cảnh Lương, nghề dạy học vô cùng thú vị. Bởi mỗi giờ dạy, mỗi đối tượng, thầy lại có cách dạy học khác nhau, có những ví dụ khác nhau, cùng một nội dung truyền đạt, nhưng ở lớp này thấy nói khác lớp kia. Sinh viên có điều kiện có thể dự học các lớp thầy dạy mà không thấy chán.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, PGS Nguyễn Cảnh Lương còn chú ý rèn sinh viên tác phong nghiêm túc, chỉn chu, như việc đúng giờ, trong lớp chú ý nghe giảng, tôn trọng thầy cô… Thầy tạo mọi điều kiện cho sinh viên, khuyến khích các em đặt vấn đề, trong giờ giảng có gì không hiểu, sinh viên cứ giơ tay hỏi, thầy sẽ dừng giờ giảng để giải thích cặn kẽ, nhiệt tình, yêu cầu duy nhất là sinh viên phải nghiêm túc, tập trung.
Thầy là một tấm gương về tuân thủ giờ giấc như một người lính, chưa bao giờ vào lớp muộn và cũng không lạm dụng giờ giảng, cứ chuông reo nghỉ là cả giảng đường giải lao, chuông hết tiết là tất cả sinh viên tan lớp.
Bên cạnh công việc giảng dạy, nghiên cứu, viết sách…, có thời gian PGS Nguyễn Cảnh Lương còn đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến khi về hưu.