Thống kê điều tra tại Hà Nội và TP.HCM của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Đó không chỉ dừng lại ở con số thống kê, thời gian vừa qua, phụ huynh giật mình với những vụ học sinh hút thuốc lá ngay trong trường.
Mới đây, 8 học sinh lớp 3 ở Hà Nội phải nhập viện vì hút thử thuốc lá điện tử khiến cho phụ huynh bàng hoàng. Theo cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại, một học sinh lớp 3 của nhà trường có nhặt được điếu thuốc lá điện tử rồi cất trong túi xách mang đến lớp.
Thuốc lá điện tử không cần châm lửa hút mà chuyển đổi một lượng dung dịch chất lỏng chứa Nicotine bốc hơi trong một buồng nóng của thiết bị thành hơi nước hay sương mù để người hút có thể hít vào. Thuốc lá điện tử rất đa dạng về hình dạng và kích thước nhưng kết cấu chung bao gồm: pin, bộ đốt, nơi chứa dịch lỏng và phần ngậm hút.
Đến trưa khi ngủ bán trú, học sinh này đã mang ra để nghịch và hút thử, sau đó một số học sinh xung quanh cũng tò mò nghịch theo. Một lúc sau các em học sinh có biểu hiện buồn nôn, khó chịu và đã nói với cô giáo. Theo kết luận của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, các con có biểu hiện buồn nôn do hít phải khói thuốc lá điện tử.
Ngày 18/11, Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, một nam sinh lớp 12 bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh trường, trên tay cầm thuốc lá điện tử. Khi đưa nam sinh này tới phòng y tế thì thấy hai nam sinh khác cũng đang nằm tại đây với tình trạng tương tự. Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả ba nam sinh này đều đã sử dụng cùng thuốc lá điện tử.
Trước đó, ngày 22/8, có 7 nữ sinh lớp 11, Trường THPT Yên Hưng (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Đến khi gần vào tiết 1, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cả 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.
Liên quan đến mối nguy hại của thuốc lá điện tử, trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Phan Thị Mai Thương, Trưởng phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý, Viện PSD cho biết: "Thuốc lá điện tử không phải là khái niệm quá mới mẻ, tuy nhiên, việc mọi người có nhận thức được chính xác về những hệ lụy mà nó gây ra hay không thì còn là một vấn đề đáng để quan tâm.
Vài năm trước đây, thuốc lá điện tử nổi lên với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn và được kỳ vọng như một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, chính vì quá mới mẻ nên người sử dụng dễ dàng nhầm tưởng và bị đánh lừa bởi vẻ "vô hại" của nó.
Về bản chất, thuốc lá điện tử vẫn biến nicotin từ dạng lỏng (dung dịch chứa nicotine) trở thành dạng khí, kết hợp với nhiều hương liệu khác nhau tạo thành những mùi hoa quả, khiến người dùng càng tăng tần suất sử dụng, lượng nicotine hấp thụ vào phổi do đó tăng hơn gấp nhiều lần, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng lớn hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường.
Mặt khác, dung dịch thường được dùng trong thuốc lá điện tử dễ dàng được pha chế, tẩm ướp các loại chất gây nghiện, điển hình là chất CBD (Cannabidiol - Một chiết xuất khác từ Cannabis (Cần sa) gây nghiện không kém so với cần sa. Bên cạnh đó, việc người lớn sử dụng và con trẻ vô tình hoặc cố ý bắt chước người lớn "tập hút" mà không có bất kỳ kiến thức nào, khiến hệ lụy do thuốc lá điện tử đưa lại càng có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Cùng với việc đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên chưa được chín muồi, ảnh hưởng của các loại chất kích thích lại khó có thể lường trước hậu quả. Theo như thông tin về các học sinh nhập viện vì 1 trong số đó nhặt được thuốc lá điện tử ở nhà và mang đến trường rồi hút chung cùng đám bạn. Đây là hồi chuông cảnh báo lớn đến việc cần càng nhanh càng tốt, trang bị kiến thức cho không chỉ các con, mà còn cho các bậc phụ huynh và giáo viên nhà trường về phòng chống ma túy nói chung và các kỹ năng nhận diện ma túy, các biến tướng của ma túy (ẩn mình trong thuốc lá điện tử, kẹo mút, socola, nước ngọt,...) để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những tình huống/sự việc đáng tiếc xảy ra".
Chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: "Tôi đã nói vô vàn lần, việc học chữ của con ở trường không phải là việc của cha mẹ, đó là việc của thầy cô và con. Phần quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải đảm nhận là giáo dục ý thức đạo đức và rèn kỹ năng sống cho con. Nếu bỏ qua 2 nội dung này, tác hại sẽ vô cùng to lớn.
Trong cuộc sống hiện nay, các con không thể nào tìm nổi 1 môi trường nào thực sự trong sạch, không bao giờ gặp các nguy cơ. Các con chỉ có thể tự mình phòng tránh, khi cần thì tự phát hiện và ứng phó kịp thời với các nguy cơ.
Với thuốc lá điện tử, cha mẹ cần cùng con tìm hiểu ngay thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì, sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Các tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá điện tử trong trường học…
Sau khi tìm hiểu, cha mẹ và con cùng thảo luận về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử. Phương pháp là bố mẹ dựng lên các kịch bản dụ dỗ khác nhau và cho con ứng xử xem có ổn không. Làm liên tục trong vài buổi tối là các con sẽ có kỹ năng nhận diện và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ".
Chuyên gia Thu Hương bày tỏ, trẻ nhỏ hiện nay cần các hoạt động nhiều hơn. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động cuộc sống như trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng... Khi đó, các con không còn thời gian để quan tâm đến các trò nguy hiểm.
"Thuốc lá điện tử cũng chỉ là 1 nguy cơ chứ không phải là duy nhất. Dạy con về các nguy cơ là cần thiết, các bố mẹ đừng xem nhẹ mà bỏ qua", chuyên gia Thu Hương nói.
Gần chục học sinh nhập viện do hút phải thuốc lá điện tử. Clip: VTV24