Công an TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Lê Huy An (36 tuổi, nhân viên một ngân hàng), Phạm Ngọc Hiệp (41 tuổi, ngụ TP Rạch Giá) và Trần Thanh Tùng (25 tuổi, ở TP Hà Tiên) về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, tối 25/11, ông Bùi Việt Thuận chạy ôtô 16 chỗ, biển số Hưng Yên, xuống phà từ Phú Quốc vào TP Hà Tiên. Khi phà vừa cập bến, ông lái xe lên bờ thì bị An, Hiệp, Tùng cùng một số người lạ vây quanh, yêu cầu xuống xe.
Hoảng sợ và không rành đường, ông Thuận lái xe bỏ chạy đến khu vực gần biên giới Việt Nam - Campuchia, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, thì dừng lại. Một lúc sau nhóm An ập đến chặn đầu xe ông Thuận.
An cầm búa thoát hiểm đập vỡ cửa kính, yêu cầu ông này xuống xe, giao chìa khóa cho mình rồi chở đồng phạm về hướng TP Rạch Giá.
Khi đi được khoảng 25 km, nhóm An bị cảnh sát chặn bắt; thu giữ 4 cây gậy cao su, 2 bình xịt hơi cay, 2 cây gậy ba khúc, còng số 8, súng bắn điện và búa thoát hiểm.
Tại cơ quan điều tra, Lê Huy An khai chiếc xe ông Thuận lái đang được thế chấp tại ngân hàng An làm việc. Khi phát hiện ôtô đã dịch chuyển khỏi nơi đăng ký thế chấp rất xa nên An nhờ Hiệp, Tùng và một số người khác khống chế ông Thuận để lấy lại xe.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, khi khách hàng vay tiền ở các tổ chức tín dụng và thế chấp bằng giấy tờ xe ôtô, khách hàng vẫn được quản lý, sử dụng xe.
Nếu đến hạn trả nợ mà bên vay tài sản không trả đúng hạn, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi nợ. Khi đó ngân hàng có quyền yêu cầu người quản lý xe ôtô phải bàn giao xe cho ngân hàng để xử lý tài sản thế chấp.
Trường hợp các bên có tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để buộc người khác phải chuyển giao tài sản.
Theo ông Cường, trong vụ việc nêu trên, kết quả bước đầu cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố các bị can về tội cưỡng đoạt tài sản do có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của khách hàng để thu hồi xe thế chấp.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, nếu có căn cứ cho thấy đối tượng đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, rất có thể cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh sang tội cướp tài sản.
Bởi, theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, các đối tượng trong vụ án đã sử dụng vũ lực là cầm búa thoát hiểm đập vỡ cửa kính để uy hiếp tinh thần của nạn nhân rồi chiếm đoạt chiếc xe và rời khỏi hiện trường cho đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Khi bắt giữ được đối tượng, cơ quan điều tra còn thu được nhiều hung khí gây án, các công cụ hỗ trợ sử dụng trái phép. Bởi vậy ở đây có dấu hiệu của tội cướp tài sản chứ không đơn giản chỉ là cưỡng đoạt tài sản.
Vị chuyên gia nêu quan điểm, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự, cưỡng đoạt tài sản là hành vi "đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản...".
Trong khi đó, ở vụ án này, các đối tượng đã sử dụng vũ lực để trấn áp tinh thần của nạn nhân chứ không phải là đe dọa sẽ dùng vũ lực. Mức độ dùng vũ lực trong vụ án này nghiêm trọng hơn là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực và hậu quả của hành vi khiến nạn nhân tê liệt ý chí để chiếm đoạt chiếc xe...
Bởi vậy, nếu kết quả điều tra đúng như nội dung thông tin ban đầu ở trên, vụ việc có thể có dấu hiệu của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 bộ luật hình sự và có thể cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh.
"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa bị can và người bị hại, làm rõ hành vi sử dụng vũ lực trái pháp luật của bị can và hành vi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Việc dùng vũ lực để thu giữ chiếc xe đang thế chấp là sai pháp luật, dù người thực hiện hành vi này là cán bộ ngân hàng đang thực thi nhiệm vụ" – ông Cường nhấn mạnh.