Tối 8/12, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh cô gái bị tát tại chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo clip, cô gái đến hỏi mua đồ tại một cửa hàng quần áo tại chợ Nhà Xanh. Khi người này mặc cả giá tiền thì bị người phụ nữ được cho là chủ cửa hàng xông vào đánh tới tấp, chửi bới rồi đuổi ra khỏi cửa hàng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh về sự việc.
Ngay sau đó, UBND phường đã giao công an, cùng các đơn vị liên quan phối hợp xác minh làm rõ sự việc.
"Chúng tôi cần phải xác minh một cách khách quan để xác định động cơ là gì, sai đến đâu xử lý đến đó. Dù nguyên nhân là gì, việc đánh chửi khách hàng là hành vi phản cảm trong kinh doanh, buôn bán" - vị lãnh đạo này khẳng định.
Trong khi đó, chỉ huy Công an phường Dịch Vọng Hậu xác nhận đã cho cán bộ đến xác minh, rà soát, tìm người phụ nữ có hành vi tát cô gái tại chợ Nhà Xanh.
Xử lý hành chính hay hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoạt động mua bán là hoạt động thường ngày diễn ra khắp mọi nơi trong đời sống.
Người bán hoàn toàn có quyền đặt giá cho sản phẩm của mình, còn người mua cũng quyền trả giá hay còn gọi là "mặc cả" đối với sản phẩm hay mặt hàng mình muốn mua. Đây là điều bình thường trong hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Vì vậy, hành vi chửi bới, xúc phạm, thóa mạ khách hàng, thậm chí là dùng vũ lực "tát thẳng vào mặt khách" của chủ cửa hàng ở chợ Nhà Xanh là hành vi xấu xí trong hoạt động kinh doanh và thể hiện bản tính côn đồ.
Theo luật sư Khuyên, pháp luật luôn có chế tài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể tại điểm a, khoản 3, Điều 10 Luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2010 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng.
Ngoài ra, hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý như xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng.
Cụ thể, nữ luật sư phân tích, người có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định tại khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Nếu hành vi chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định144/2021 của Chính phủ. Mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi như cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, tại điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021 cũng quy định về các hành vi, vi phạm quy định về trật tự công cộng. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi như khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Luật sư Khuyên cho rằng, đối chiếu với vụ việc xảy ra tại chợ Nhà Xanh, trường hợp cơ quan chức năng xác định chủ cửa hàng là người có lỗi, người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định như đã phân tích ở trên; Nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.