Giá mít Thái hôm nay 11/12 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chựng lại, không tăng tiếp so với ngày hôm qua. Như vậy, sau 6 ngày giá mít tăng liên tiếp, giá mít đã chựng lại.
Theo một số thương lái và vựa, sở dĩ giá mít tăng trước đó quá cao là do một số vựa đẩy giá để gom hàng. Có thể trong vài ngày tới, giá mít Thái nằm ở mức hiện tại hoặc thấp hơn nhưng không nhiều.
Chính vì lí do trên mà nhiều vựa hôm nay không báo giá, chờ giá ổn định nhất mới báo cho thương lái đi đến vườn cắt.
Tại Tiền Giang, giá mít thái được các vựa mua như sau: mít Kem lớn từ 32.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 25.000 đồng/kg, mít loại ba từ 15.000 đồng/kg.
Cũng tại Tiền Giang, các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn từ 30.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 23.000 đồng/kg, mít loại ba từ 13.000 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ, giá mít Thái cũng không tăng không giảm so với ngày trước đó.
Ở những địa phương này, các vựa mua mít Kem lớn từ 31.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 24.000 đồng/kg, mít loại ba từ 14.000 đồng/kg. Đối với các thương lái mua mít Kem lớn từ 29.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 22.000 đồng/kg, mít loại ba từ 12.000 đồng/kg.
Thời gian qua, trên các vườn trồng mít Thái ở ĐBSCL, ngoài các bệnh như nứt thân xì mủ, xơ đen, nứt mầu, nứt trái, còn xuất hiện rệp sáp và sâu gây hại.
Mặc dù trị rệp sáp và sâu rất dễ nhưng tốn nhiều chi phí thuốc và thời gian của chủ vườn. Những trái bị rệp sáp và sâu nhiều sẽ bị rớt loại khi thương lái và vựa mua.
Một số hộ dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho hay, ngoài trị rệp sáp và sâu bằng cách phun thuốc định kỳ, người dân còn nuôi kiến vàng.
"Nuôi kiến vàng thì vườn mít Thái sẽ không thấy rệp sáp và sâu, nếu có cũng rất ít. Trước đây, người dân ở ĐSBCL thường nuôi kiến vàng trên cây cam, hiện nay đã nuôi loại kiến này trên một số loại cây ăn trái khác, hiệu quả rất tốt" - Ông Trần Văn Hòa ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho hay.
Ông Hòa cho hay, để nuôi kiến vàng trong vườn mít Thái thì phải hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hoặc chỉ phun với liều lượng thấp ở dưới thân cây, không phun đều trên tán lá. Bởi kiến vàng thường sinh sống và làm tổ trên tán lá.
Theo ông Hòa, thực tế, nhiều vườn mít Thái ở ĐBSCL do phun nhiều thuốc mà không có con kiến vàng sống. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho rệp sáp và sâu hại phát triển.