Sau 1 năm Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Hiệp hội CropLife Việt Nam, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp thực hiện Chương trình hợp tác hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, theo ông cái được lớn nhất của chương trình là gì?
- Làm sao thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân, sử dụng sao cho an toàn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí sản xuất là vấn đề được các địa phương, ngành chức năng quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Hiệp hội CropLife Việt Nam, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp thực hiện chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm theo ngyên tắc "4 đúng" và "5 nguyên tắc vàng".
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân, cơ sở buôn bán thuốc BVTV tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ dịch hại để vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc BVTV, vừa duy trì môi trường xanh, sạch đồng thời bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.
Sau 1 năm thực hiện, tính tới tháng 11 năm 2022, các cán bộ của dự án đã tổ chức và tập huấn được cho hơn 1.100 nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả tại 12 huyện, thành phố; hoàn thành 1 lớp tập huấn cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật của tỉnh và 6 lớp tập huấn cho các cơ sở buôn bán thuốc BVTV với sự tham gia gần 500 đại lý.
Chương trình cũng hoàn thiện nội dung và phát hành bộ tài liệu tập huấn về quản lý và sử dụng thuốc BVTV cho từng đối tượng tham gia và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của địa phương như lúa, hoa kiểng, nhãn, xoài... Cấp phát 1.200 tờ rơi, 240 áp phích tuyên truyền và phát sóng 15 video tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên đài truyền hình địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói thuốc BVTV với sự tham gia của hơn 1.600 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng và tập kết về địa điểm phát động - tổng lượng rác thải BVTV thu gom được là trên 16 tấn.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 300 ha tại Lấp Vò và Sa Đéc với hơn 490 hộ nông dân tham gia.
Trong quá trình triển khai chương trình, các đơn vị có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Thực tế, việc thay đổi thói quen canh tác vốn đã bám rễ trong tư duy của người nông dân vốn không đơn giản. Do vậy, ngay từ đầu, chúng tôi chọn cách tiếp cận, truyền thông khác. Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội CropLife Việt Nam và Sở NNPTNT Đồng Tháp không chỉ khuyến cáo bằng truyền thông mà thực thi bằng hành động, tập huấn để bà con sản xuất có ý thức,bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, vừa đảm bảo năng suất cây trồng vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng an toàn thực phẩm.
Sau khi nhận được phản hồi của bà con, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại nội dung tập huấn để sát hơn với điều kiện canh tác của địa phương, thói quen tiếp nhận thông tin và đặc biệt là nhu cầu của bà con nông dân.
Chúng tôi cũng sẽ thiết kế các phương án để đánh giá sự thay đổi về mức độ sử dụng thuốc BVTV trên một số cây trồng của nông dân trước và sau khi tham gia tập huấn. Đồng thời để tăng mức độ hấp dẫn, tương tác và khuyến khích nông dân tham gia chương trình, các hoạt động của năm sau sẽ bao gồm việc tổ chức các cuộc thi/hội thi tìm hiểu về sử dụng thuốc; các chương trình phát động thu gom mà bà con nông dân có thể đổi quà dựa trên số lượng bao gói thu gom….
Chúng tôi hy vọng những thay đổi này sẽ khuyến khích sự tham gia đông đảo hơn và tích cực hơn từ bà con nông dân và qua đó họ sẽ thực sự hiểu hơn về lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm trong canh tác thực tế.
Trong thời gian tới, Chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Crop Life Việt Nam và Sở NNPTNT Đồng Tháp sẽ ưu tiên cho những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Về định hướng trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả tại một số địa phương, tập trung trên các cây trồng chủ lực như chương trình chúng tôi đang tiến hành tại Đồng Tháp hiện nay chúng tôi sẽ nghiên cứu để thử nghiệm những mô hình nhằm nâng cao nhận thức và hành vi sử dụng thuốc của nông dân liên quan tới quản lý dư lượng thuốc BVTV – đây hiện là vấn đề rất đáng lưu tâm liên quan tới an toàn thực phẩm và xuất khẩu nông sản tại Việt Nam.
Tại Đồng Tháp, Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm sẽ hướng đến chọn những loại cây trồng đang có xu hướng liên kết thị trường xuất khẩu, dự kiến sẽ thực hiện trên cây ớt ở huyện Thanh Bình và cây sầu riêng ở Châu Thành.
Trong một khảo sát gần đây về thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân do CropLife hỗ trợ với sự tham gia của IPSARD cùng một số đơn vị nghiên cứu quốc tế, chúng tôi nhận thấy một trong vấn đề nổi cộm trong thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân đó là họ không nhận thức đủ; thiếu thông tin/ cảnh báo về vấn đề dư lượng trên cây trồng – và không coi dư lượng là vấn đề quan trọng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất phối hợp với Cục BVTV và các đối tác tiến hành triển khai một số mô hình nhằm thay đổi hành vi của nông dân trong vấn đề quản lý dư lượng, tập trung thí điểm trước tại những vùng trồng trọng điểm và cây trồng chủ lực phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT):
"Thời gian tới các bên sẽ cùng ngồi lại và cập nhật lại tài liệu, đồng thời có cách thức truyền tải phù hợp hơn thời gian tới. Năm 2023, chương trình cũng sẽ thay đổi để khắc phục những tồn tại như hình thức giảng dạy, phương thức thu gom bao bì hiệu quả hơn… Chúng tôi sẽ đánh giá lại từng nội dung trong chương trình này và bổ sung thêm các tiến bộ về khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số đến với nông dân và cả doanh nghiệp. Việc thực hiện mô hình này đã mang lại hiệu quả cho từng người dân, từng cánh đồng sản xuất".