Xung lực mới để thu hút đầu tư
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Buôn Ma Thuột trong 5 năm, từ 1/1/2023. Theo đó tỉnh Đăk Lăk được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại tối đa 40% số thu ngân sách. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.
Tỉnh được sử dụng phần dư nợ vay tăng thêm để đầu tư các dự án tại TP.Buôn Ma Thuột. Như vậy, thời gian tới, TP.Buôn Ma Thuột sẽ có thêm nhiều dự án lớn được Nhà nước đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng, cảnh quan đô thị, xây dựng nông thôn mới...
TS Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện KHCHvùng Tây Nguyên cho rằng, nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Buôn Ma Thuột sẽ là "đòn bẩy", góp phần biến những yếu tố lợi thế, tiềm năng của địa phương thành lợi thế cạnh tranh để vươn lên, trở nên nổi bật, tỏa sáng hơn…
Về phía các doanh nghiệp (DN), nghị quyết của Quốc hội đã mở ra một loạt các ưu đãi đặc biệt, chưa từng có đối với địa phương cấp quận huyện. Theo đó các dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột được giảm một nửa thuế thu nhập DN (10%) trong 30 năm; miễn thuế này 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Còn dự án lĩnh vực sản xuất, bảo quản chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa... được áp dụng thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm. Sau đó, dự án các lĩnh vực này được miễn thuế 4 năm và giảm một nửa số thuế thu nhập phải nộp 9 năm tiếp theo.
Theo các DN, các ưu đãi đặc biệt về thuế sẽ giúp họ có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công chia sẻ, cơ chế miễn giảm thuế DN, thu hút đầu tư cho TP.Buôn Ma Thuột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đầu tư phát triển các lĩnh vực, khơi dậy các thế mạnh của thành phố.
Đặc biệt, ông Vương kỳ vọng chính sách ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột sẽ tạo cơ hội, tiếp sức cho ngành cà phê nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Nâng cao giá trị nông sản
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết, với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột, nguồn lực tài chính sẽ tiếp tục được đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó các con suối trên địa bàn sẽ được cải tạo, tạo cảnh quan đặc thù cho thành phố xanh, sinh thái và mang bản sắc riêng. Đồng thời, phát triển dịch vụ đô thị, an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã đang xây dựng nông thôn mới, các buôn dân tộc thiểu số...
Thông qua cơ chế đặc thù, thành phố sẽ thu hút được các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản; đồng thời sẽ quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại thành phố, tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chính phủ cũng giao cho tỉnh Đăk Lăk và TP.Buôn Ma Thuột xây dựng đề án đưa TP.Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới"… Đây là những nhân tố, điều kiện sẽ góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc.