Dân Việt

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son..."

Đình Thiên 14/12/2022 10:35 GMT+7
"Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son". Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung diễn ra vào sáng nay (14/12) tại TP.Đà Nẵng.

Sáng 14/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Về dự lễ khởi công công có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem xét dự án bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng. Clip: Đình Thiên

"Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son"

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho hay, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, cảng Tiên Sa của Đà Nẵng không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông.

"Do đó phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố. Chủ trương này đã được xác định rõ trong Nghị quyết 43-NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045", ông Chinh nói.

Về dự lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đà Nẵng có thêm một dự án động lực để phát triển kinh tế cho địa phương và phát triển chung cho cả khu vực.

Chủ tịch nước lưu ý rằng, cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế như sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: "Nước sâu lại rộng, ngoài có cả núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây".

Đồng thời, những ghi chú bản đồ Đà Nẵng vẽ năm 1787 cũng cho rằng "vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi". Những cứ liệu lịch sử cho thấy thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, nhưng những hoạt động thời bấy giờ chỉ là điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son" - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thị sát khu vực khởi công bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn  có vị trí "yết hầu" về quốc phòng - an ninh của đất nước.

"Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của cảng Đà Nẵng như thế nào. Khi đất nước được thống nhất, cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả khu bến Tiên Sa; cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu.

Nhìn rộng hơn, cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế", Chủ tịch nước nói.

Cảng Đà Nẵng đầu tư cho cả vùng miền Trung không riêng Đà Nẵng

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.

"Với những tiềm năng, lợi thế mang tính thiên thời và địa lợi đó, chúng ta chỉ cần phát huy thêm yếu tố nhân hòa thì có thể thành công. Cũng cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung.

Vì lẽ đó, hôm nay tôi rất vui mừng dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu– phần cơ sở hạ tầng dùng chung thành phố Đà Nẵng và cũng là một hợp phần rất quan trọng của cảng Đà Nẵng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son" - Ảnh 5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng xem xét quy hoạch dự án bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam ngoài khu cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng tại khu vực phía Bắc; khu bến Cái Mép Thị Vải tại Bà Rịa Vũng Tàu tại khu vực phía Nam.

Thông tin thêm về dự án này, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng cho biết, vào ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu.

Trong đó, giai đoạn đầu sẽ đầu tư 22 bến khởi động, đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và trong khu vực.

Đây là dự án công trình giao thông nhóm A với tổng mức đầu tư là 3.426,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng.

Dự kiến tiến độ thực hiện dự án sẽ thực hiện từ năm 2021- 12/2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.

Dự án này do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công này là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang.