Bởi thế, sắn mì không đơn thuần là thức quà hoặc món ăn vặt mà nó trở thành một phần kí ức, là niềm thương nỗi nhớ của tôi.
Nhìn những củ sắn mới mua về còn dính đất, trong tôi như sống lại niềm vui háo hức của tuổi thơ xưa. Bề ngoài xù xì lấm láp nhưng khi lột hết vỏ là hiện ra những củ sắn tròn lẳn, trắng ngần, hứa hẹn trước sau vẫn một lòng ngọt bùi tình nghĩa. Lúc nào công việc bận bịu thì tôi nấu bằng bếp ga. Những khi rảnh rỗi như hôm nay, tôi lại thích nhóm bếp củi ngoài mé hiên nhà để nấu sắn.
Sắn mì mùa nào cũng ngon nhưng ngon nhất phải là mùa có gió bấc thổi. Giữa những ngày mưa dầm rả rích, từng đợt gió mùa đông bắc tràn về, mang theo hơi lạnh và thổi liên hồi trên mái lá, nếu có vài củ sắn để ăn thì thú vị lắm. Tôi thích cái lạnh mùa đông ở vùng Nam Trung bộ quê mình. Nó không đến nỗi rét buốt, tái tê mà se se, mềm mượt, ngọt ngào, khiến cho lòng người thêm khoan khoái, dễ chịu hẳn. Dường như đến mùa đông, con người ít gắt gỏng và nhớ thương về quá khứ nhiều hơn là nhờ khí trời mát lạnh chăng? Bếp củi mùa đông thường bị ẩm ướt nên nhiều khói. Từng lọn khói bay lên, gặp mái tôn bên trên chắn lại là tản ra xung quanh, cứ bồng bềnh quanh quẩn mãi.
Cơn gió lùa qua, ngọn khói làm một cuộc phiêu bồng viễn du, nhưng vẫn còn để lại thứ mùi hăng hắc, cay cay quen thuộc của cỏ cây vườn tược. Củi đã cháy, than đỏ hừng, nước bắt đầu sôi ùng ục. Nồi sắn bốc hơi nghi ngút, tỏa ra thứ mùi thơm tho, no ấm và thân thương…
Tôi nhớ hồi nhỏ ở với cha mẹ nơi làng cũ ven sông Đà Rằng, đất ruộng chủ yếu là trồng lúa, còn vùng đất cát bãi soi thì trồng khoai lang chớ bà con ít trồng sắn. Thời đó không đủ lúa gạo để ăn tới khi giáp hạt, phải đợi đến vụ Đông Xuân vào tháng 3 âm lịch năm sau, còn thêm mưa gió không làm gì được nên thường là mùa thiếu đói gay gắt. Lo trước điều này, cha tôi và nhiều người trong làng cùng nhau trồng sắn quanh vườn nhà. Đầu xuân, cha vun luống sát bờ rào, cắt thân cây giâm xuống đất.
Sắn mọc lên tươi tốt, chen lấn với cây bên rào để lớn. Nhờ đất tốt, xốp tươi nên sắn cho củ lớn và nhiều bột. Đến mùa đông mưa gió, lúc này nguồn lương thực cũng cạn dần, còn lo dự trữ cho mấy ngày Tết nữa, cha bèn ra bờ rào nhổ sắn mì. Chỉ cần nhổ một bụi sắn mà đựng cả rổ to. Bếp lửa nổi lên, nồi sắn cũng sôi ùng ục, anh em tôi canh lửa đợi chờ… Cả nhà quây quần bên rổ sắn nghi ngút khói, vừa no bụng vừa ấm áp trong những ngày mùa đông thuở ấy.
Bà con quê tôi còn mài, bào sắn lấy bột để chế biến thành các loại bánh như: bánh ít, bánh tai vạc hoặc bánh tráng sắn… Có khi đem sắn phơi khô rồi để dành, mùa đông năm sau lấy ra ngâm nước rồi hầm chín, ngào với đường đen cũng ngon lắm. Riêng tôi nhớ nhất là món canh sắn. Dùng ruốc khô hoặc vài con tép mới vừa thả lờ kéo nhá, đem xào sơ qua tóp mỡ, chờ nước sôi là bỏ sắn tươi vào, nêm thêm ít lá mùi tàu. Củ sắn nở rền, nước hơi keo vì nhiều bột, dậy mùi thơm. Đây có thể là món canh lạ với người khác nhưng rất quen với gia đình tôi, suốt một thời khó khổ. Thật tình hồi đó, nhìn đến sắn khoai là ngán ngẩm. Mơ ước có nồi cơm trắng, không ghé độn khoai sắn bắp mà xa vời chẳng với tới! Thương lắm ngày xưa ơi!
Đã 22 năm, tôi sống và làm việc tại Đồng Xuân, một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Phú Yên nên vùng đất này đã trở thành quê hương thứ hai của tôi với biết bao ân tình sâu nặng. Ở đây, điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích rẫy rừng rộng lớn, thích hợp cho các loại cây lương thực, cây công nghiệp, cây lấy gỗ phát triển mạnh. Nhiều nhất vẫn là lúa, đỗ phộng, sắn, mía, keo lấy gỗ.
Từ khi có nhà máy tinh bột sắn ở Đồng Xuân luôn cam kết thu mua sắn cho bà con nông dân nên vùng nguyên liệu sắn được duy trì và mở rộng. Giá cả tốt, đầu ra đảm bảo, người nông dân càng phấn khởi khi thấy cuộc sống của mình ngày càng ấm no, sung túc trên chính mảnh đất quê hương.
Giờ đây, cuộc sống của bà con ở khắp nơi đều khá giả hơn nhiều so với trước. Diện mạo của làng quê nông thôn cũng khang trang, giàu đẹp. Có lần tình cờ đi ngang qua đồng sắn mướt xanh, lòng tôi khấp khởi mừng vui và cũng bồi hồi nhớ về những tháng ngày xưa cũ. Sáng nay, nghe tin gió lạnh tăng cường, mưa vẫn rào rào từng cơn không lớn lắm, vợ đi chợ và mang về mấy củ sắn thân thương. Tôi biết rằng gió mưa kia chẳng lạnh bởi vì có bếp lửa tỏa khói cay cay, có ký ức ngày xưa sưởi ấm, có nồi sắn mì thương nhớ mùa đông!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.