Ký ức về "12 ngày đêm khói lửa" gây xúc động với nhiều người dân Thủ đô
Những ngày tháng 12, tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), du khách có cơ hội được sống trong lịch sử với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không bằng trải nghiệm đi trong giao thông hào, xem hầm tăng xê, mũ rơm, kẻng báo động…
Trải nghiệm không gian "khoảng lặng" gợi nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Thực hiện: Kim Duyên.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), 50 năm trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973 - 2023), Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò tổ chức triển lãm chuyên đề "Khoảng lặng". Ảnh: Kim Duyên.
Triển lãm gồm 2 nội dung chính: "Những ngày đỏ lửa" và "Sau bức tường đá", gợi nhớ về "Khoảng lặng" sau các trận bom rải thảm, các trận đánh khốc liệt và những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sỹ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Ảnh: Kim Duyên.
Không gian triển lãm được thiết kế với lối đi tái hiện lại hình ảnh những đường giao thông hào - hệ thống đường thoát hiểm, sơ tán của người dân các tỉnh miền Bắc khi có báo động phòng không những năm 1964 - 1972. Ảnh: Kim Duyên.
Tiểu mục "Mưa bom bão đạn" giới thiệu những hình ảnh tang tóc, chia ly của các gia đình miền Bắc. Phố phường Hà Nội, Hải Phòng trở thành đống đổ nát vì phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B-52, khiến cho "đất rung, ngói tan, gạch nát". Ảnh: Kim Duyên.
Đến triển lãm tham quan, anh Nguyễn Ngọc Hưng (ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, khi xem những hình ảnh tái hiện lại một phần ký ức về trận Điện Biên Phủ trên không đã khiến anh không khỏi xúc động. "Đặc biệt, khi xem xong bộ ảnh giới thiệu những hình ảnh tang tóc, chia ly của các gia đình miền Bắc, phố phường Hà Nội đổ nát sau trận mưa bom tôi càng trân quý, và biết ơn các chiến sĩ, ông cha ta đã đánh đổi xương máu của mình để giành độc lập dân tộc. Mỗi bức ảnh ở đây là một câu chuyện, mảnh đời giàu cảm xúc", Hưng nói.. Ảnh: Kim Duyên.
Những tấm gương anh hùng của Không quân Việt Nam cũng được giới thiệu tại tiểu mục "Quyết tâm chiến thắng". Ảnh: Kim Duyên.
Tiểu mục "Thích ứng" giới thiệu tới công chúng đặc điểm nổi bật của giai đoạn lịch sử 1964 - 1973 tại miền Bắc Việt Nam với hệ thống đường giao thông hào, hố tránh bom cá nhân, mũ rơm, loa phát thanh, còi báo động... Ảnh: Kim Duyên.
Hình ảnh tư liệu bên cạnh mô hình tái hiện hố tránh bom cá nhân được trưng bày tại triển lãm.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu một số bức tranh trong tập nhật ký bằng tranh của Trung tá Không quân Mỹ vẽ trong thời gian bị giam tại Trại giam Hoả Lò, năm 1970. Ảnh: Kim Duyên.
Chiếc kẻng làm từ vỏ bom, báo động cho người dân vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch tấn công. Ảnh: Kim Duyên.
Huân chương Quân kỳ Quyết thắng Bộ Quốc phòng tặng thưởng đồng chí Nguyễn Văn Cốc ngày 29/11/1988. Ảnh: Kim Duyên.
Huy hiệu Bác Hồ trao tặng phi công Nguyễn Văn Cốc khi bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967. Ông là phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất (9 máy bay) và được phong tặng danh hiệu AHLLVTND khi 27 tuổi. Ảnh: Kim Duyên.
Chổi cạo râu gia đình phi công Mỹ gửi cho người thân bị giam tại Trại giam Hoả Lò; Bát đũa chiến sĩ Việt Nam gửi tặng Hạ sĩ Lục quân Mỹ trong thời gian sống tại trại giam phi công Mỹ ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội) năm 1970; Bàn cạo râu Chính phủ Việt Nam cấp cho phi công Mỹ sử dụng trong Trại giam Hoả Lò (sau mỗi lần sử dụng sẽ được thu lại). Ảnh: Kim Duyên.
Máy đo huyết áp và ống nghe sử dụng để khám bệnh cho người dân và các nạn nhân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội năm 1972. Ảnh: Kim Duyên.
Triển lãm thu hút rất nhiều khách tham quan, trong đó có cả những vị khách nước ngoài. Ảnh: Kim Duyên.