Chuyện ít biết về hầm chìm tránh bom ở Thủ đô trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
Chuyện ít biết về hầm chìm tránh bom ở Thủ đô trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
Nguyễn Ngọc Tiến
Thứ ba, ngày 13/12/2022 10:56 AM (GMT+7)
Trong đợt Mỹ ném bom Hà Nội 1972, trung bình mỗi người ở lại thành phố có 8,1 chỗ trú ẩn. Hầm cá nhân thì ai cũng biết nhưng hầm chìm, "hầm lộ thiên" vẫn còn bí ẩn.
LTS: Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" hào hùng, vang dội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), Báo điện tử Dân Việt giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến là nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội, ông được biết tới là người viết nhiều nhất về thủ đô.
Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ đã đánh bom một số tỉnh thành miền Bắc mở màn cho chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Để chống trả uy lực của máy bay Mỹ đã có các trận địa pháo cao xạ, máy bay MIG và năm 1965 có thêm tên lửa đất đối không do Liên Xô viện trợ. Để hạn chế thương vong tính mạng ở dưới mặt đất, nhà nước ra lệnh đào hầm trú ẩn ở khắp nơi trong đó có Hà Nội.
Tháng 4/1972, Mỹ đánh bom Hà Nội lần thứ 2, Hà Nội có 40.000 hầm cá nhân, hơn 90.000 hầm trú ẩn tập thể và 45.000km giao thông hào đủ chỗ tránh cho 90 vạn người. Trung bình mỗi người ở lại thành phố có 8,1 chỗ trú ẩn. Hầm cá nhân thì ai cũng biết nhưng hầm chìm, "hầm lộ thiên" vẫn còn bí ẩn.
Hà Nội là đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ vì thế rất nhiều căn hầm vừa tránh bom, vừa làm việc được xây dựng bí mật. Từ năm 1965 cho đến năm 1968 các căn hầm D59, D66, D67,T1…xuất hiện trong khu vực Hoàng thành. Những căn hầm này được xây dựng ngầm dưới đất, rất kiên cố là nơi họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khi máy bay Mỹ đánh bom ác liệt.
Tại sao phải xây ngầm? Vì hầm ngầm bên trên có vật liệu cứng dầy hàng mét có thể chống lại được các loại bom khoan, bom có sức công phá lớn. Tuy nhiên còn một lý do khác, hầm ngầm có thể che mắt được các thiết bị phát hiện mục tiêu hiện đại của không quân Mỹ.
Hầm nào cũng được trang bị đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt. Hầm D67 có lẽ là căn hầm đặc biệt nhất, có phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, có phòng họp rộng 75m2.
Hà Nội là thủ đô nên cũng có căn hầm ngầm kiên cố ở 62 Trần Quốc Toản. Hầm là nơi tránh bom và làm việc khi Mỹ đánh bom của Thành ủy Hà Nội. Bên trong có phòng họp, có đường dây liên lạc hữu tuyến với Quân khu Thủ Đô để nhận thông tin máy bay đánh phá thành phố. Từ hầm ra phố có con đường ngầm, nếu hầm vị sập sẽ theo đường này thoát ra ngoài. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 Mỹ dùng B52 rải thảm Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân đã ăn ngủ ở đây để chỉ huy các công việc cấp bánh của thành phố.
Hà Nội cũng có hầm ngầm bị chìm vào quên lãng sau 39 năm, đó là căn hầm trú bom dành cho khách tại khách sạn Metropole (trước là khách sạn Thống Nhất). Hầm được xây đầu năm 1966. Năm 2011, khi thi công quán bar, các công nhân đã phát hiện ra.
Căn hầm rộng khoảng 40m2 có 2 lối ra vào. Dù bị đất, bùn phủ lấp nhưng sau 39 năm trên tường vẫn còn tên của một nhà ngoại giao người Úc là Bob Devereaux. Sau này, ông Bob nhớ lại: "Có thể lúc đó tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có việc gì để làm. Lúc mò mẫm chai rượu bị ngập, tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường".
Căn hầm cũng đã đi vào bài hát "Where are you now my sun" (Con trai ơi, giờ này con ở đâu?) của ca sĩ người Mỹ Joan Beaz. Cuối tháng 12/1972, Joan đã ở trong căn hầm và ca sỹ đã kể lại: "Những người khách phương Tây chúng tôi tụ tập ở sảnh chờ đón Giáng sinh. Bom nổ, thành phố này rực sáng, nhân viên khách sạn yêu cầu chúng tôi phải xuống hầm để an toàn tính mạng".
Ngoài hầm đào, Hà Nội còn tận dụng cả nhà quàn xác chết để trú ẩn. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ ngày nay xưa là nghĩa địa chôn những người Pháp bị chết nên dân chúng gọi là nghĩa địa Tây.
Nghĩa địa Tây được xây dựng đầu thế kỷ 20. Phía cuối phần giáp với chợ Trời hiện vẫn còn một nhà có kiến trúc lạnh lẽo, buồn thảm rất chắc chắn, xưa nó là để quan tài và thực hiện các nghi lễ. Tầng cuối cùng dưới lòng đất là căn phòng rộng dùng để áo quan người chết khi chưa tổ chức được tang lễ. Và nó đã được dùng làm hầm tránh bom của người dân sống ở khu tập thể và bà con khu vực chợ Trời.
Hà Nội có khá nhiều công trình được thiết kế có tầng hầm ngầm như Nhà hát lớn, Tòa án nhân dân tối cao, Bệnh viện Bạch Mai… Những tầng hầm này cũng được tận dụng để bệnh nhân, cán bộ nhân viên tránh bom.
"Hầm lộ thiên" và các chuyên gia quân sự Liên Xô
Ngoài hầm chìm Hà Nội còn có "hầm lộ thiên", nó trên mặt đất chẳng có gì che chắn nhưng được cho là an toàn. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ 2, mỗi khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt, khá nhiều người không đi sơ tán đến dựng lều tạm quanh nhà tù Hỏa Lò.
Họ đến đây vì Hỏa Lò là nơi giam giữ phi công Mỹ bị bắt nên họ tin rằng máy bay Mỹ sẽ không dám đánh bom nơi này. Không chỉ Hỏa Lò, trước cửa các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội cũng là nơi tránh bom của người Hà Nội. Nhà thờ Công giáo cũng được coi là "hầm lộ thiên" vì Mỹ tuyên bố không đánh bom các cơ sở tôn giáo.
Bom đạn không có mắt, nhưng sau 12 ngày đêm cuối năm 1972 những "hầm lộ thiên" này không bị dính bom, duy nhất có căn nhà của chuyên gia quân sự Liên Xô bị bắn tên lửa.
Một "hầm lộ thiên" khác khá đặc biệt, đó là khu chuyên gia Kim Liên (nay là khách sạn Kim Liên). Trong chiến tranh, đây là nơi ở của nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam. Khu chuyên gia này có rất nhiều hầm trú ẩn cá nhân xung quanh các dãy nhà, nhưng cuối năm 1966, khi có báo động máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội, các chuyên gia không xuống trú.
Lý do là hầm cá nhân làm cho người Việt Nam nên rất chật trội trong khi chuyên gia Liên Xô lại to lớn, mỗi lần trú là một lần thay quần áo vì dính đầy bùn đất. Tuy nhiên lý do khác là các chuyên gia quân sự tự tin là không quân Mỹ không dám đánh bom khách sạn Kim Liên, nếu họ đánh bom tức là đã gây hấn với Liên Xô, mà gây hấn với Liên Xô sẽ có chuyện xảy ra, điều mà Mỹ rất tránh.
Có lẽ suy nghĩ của các chuyên gia là đúng bởi cuối tháng 12/1972, những vệt bom B52 liên tục rơi từ ga Giáp Bát đến Bệnh viện Bạch Mai thì dừng lại. Và bom B52 lại bắt đầu tàn phá phố Khâm Thiên kéo đến ga Hà Nội. Khu chuyên gia Kim Liên nằm giữa Bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên và rất gần 2 nơi này lại không hề bị đánh bom.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.