Gilimex cho biết, Amazon Robotics LLC (“Amazon”) là một trong những khách hàng của GIL từ năm 2014.
Trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Việc vi phạm này có thế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Trước đó, các hãng thông tấn quốc tế thông tin một công ty của Việt Nam có tên là Gilimex khởi kiện Amazon lên một tòa án ở New York - Mỹ, cáo buộc công ty này vi phạm hợp đồng.
Gilimex tuyên bố Amazon đã yêu cầu họ đẩy mạnh hoạt động sản xuất cấu trúc chuyên dụng FPA dùng trong bộ phận robot của Amazon. FPA là cấu trúc lưu trữ bao gồm các thùng hoặc ngăn nhỏ dành cho những sản phẩm thường được dùng với robot công nghiệp, sẽ vận chuyển các thùng này để đóng gói và vận chuyển nguyên vật liệu tới khách hàng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, Amazon chấm dứt thỏa thuận với Gilimex vào tháng 5 vừa qua. Do đó, Gilimex tố cáo Amazon đã không công bằng, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác.
Đối tác của Công ty luật Kasowitz Benson Torres, Marc Kasowitz, cũng cho rằng Gilimex đóng vai trò quan trọng đối với thành công chưa từng có của Amazon.com, kể cả trong đại dịch Covid-19.
Trong đơn khiếu nại, hành vi nghiêm trọng của Amazon Robotics khiến Gilimex phải đầu tư đáng kể vào các nhà máy của mình. Hiện tại, họ phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô rất lớn.
Theo đơn kiện, năm 2019, Gilimex đã bán 518.000 cấu trúc FPA cho Amazon. Con số này tăng vọt lên 936.000 cấu trúc vào năm 2021 và đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu cấu trúc trong năm nay.
Phía Gilimex cho biết vì có cam kết từ Amazon nên công ty đã mở rộng đáng kể công suất nhà máy, dành tất cả dây chuyền chế tạo để đáp ứng yêu cầu của Amazon, đồng thời cắt đứt quan hệ với các khách hàng khác theo đề nghị của tập đoàn đặt trụ sở tại Seattle này.
Đồng thời, Amazon đã cam kết là đối tác chiến lược và sẽ thông báo đầy đủ trước cho Gilimex nếu chấm dứt quan hệ hợp tác. Theo Gilimex, 7.000 nhân viên của công ty tại Việt Nam này đã gặp nhiều khó khăn vì bị Amazon chấm dứt hợp đồng.
Theo báo cáo của Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset, Gilimex có mối quan hệ lâu năm với các đối tác lớn tại Mỹ và châu Âu. Công ty chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Amazon chiếm khoảng 85% doanh thu, 15% doanh thu còn lại chủ yếu đến từ 2 khách hàng lớn IKEA (châu Âu) khoảng 12% và Ballard (Mỹ) khoảng 2%.
Cũng liên quan đến GIL, mới đây, công ty cũng đã thông qua thời gian phát hành cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, công ty dự kiến phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ phát hành là 1,45% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 10 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 15/12 đến ngày 30/12/2022.
Trong quý III/2022, doanh thu GIL ghi nhận vỏn vẹn 213 tỷ đồng, giảm 66,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 128,21 tỷ đồng, tăng 598,7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, GIL đã thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 250 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 15-30%.
Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 140,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới cuối quý III/2022, tổng tài sản của Gilimex đạt 4.267,7 tỷ đồng, tăng hơn 13%. Tài sản ngắn hạn tăng nhẹ lên 3.782,7 tỷ đồng, trong đó trữ tiễn chiếm 48,1% tổng tài sản với 2.953,4 tỷ đồng, trong đó đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng tới 195% lên 1.224 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn giảm mạnh 74% xuống 263,5 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 70,5% so với đầu năm lên 1.277,9 tỷ đồng.
Xét về danh mục đầu tư chứng khoán, tính tới 30/9/2022, công ty đầu tư 64,06 tỷ đồng vào chứng khoán. Trong đó, đầu tư 61,22 tỷ đồng vào cổ phiếu GMC của CTCP Germex Sài Gòn, trích lập dự phòng 21,83 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 18% xuống 1.764 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay ngắn hạn với 1.622 tỷ đồng, tổng nợ vay giảm 7% so với đầu năm xuống 938,4 tỷ đồng.