Dân Việt

Nhập nhằng chuyện xây nhà trên cống thoát nước, gần trăm hộ dân khiếu nại lên UBND TP.HCM

Chinh Hoàng - An Nguyễn 16/12/2022 13:16 GMT+7
Chủ ngôi nhà 2A/4 đường Bạch Đằng phá vỡ kết cấu tuyến cống thoát nước ra kênh Nhật Bản để mở rộng diện tích xây dựng. Từ khi tuyến cống bị phá bỏ, người dân sống ở hẻm 2A phải sống trong cảnh hôi thối nước thải đọng lại, ruồi muỗi bùng phát, gần một trăm hộ dân đã khiếu nại lên các cấp trong đó có UBND TP.HCM.

Một ngôi nhà xây dựng lấp tuyến cống thoát nước ảnh hưởng gần một trăm hộ dân

Ngày 16/12, gần một trăm hộ dân sống tại hẻm 2A, phường 2 (quận Tân Bình) đã gửi đơn khiếu nại lên UBND quận Tân Bình, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan về việc một hộ dân tại khu vực xây nhà đã lấp tuyến cống thoát nước.

Nhập nhằng chuyện xây nhà trên cống, gần trăm hộ dân khiếu nại lên UBND TP.HCM  - Ảnh 1.

Bà P.K (đứng) bức xúc cho rằng ngôi nhà 2A/4 đang phá vỡ kết cấu cống cũ ảnh hưởng đến gần một trăm hộ dân sinh sống tại con hẻm 2A đường Bạch Đằng, quân Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng

Bà P.K. (60 tuổi, ngụ hẻm 2A) cho biết căn nhà thi công này ở số 2A/4 Bạch Đằng. Trước đây, phía bên cạnh căn nhà có một cống thoát nước rộng khoảng 4m thoát ra kênh Nhật Bản. Mới đây, chủ căn nhà đã bán lại một người khác.

Bà P.K bày tỏ bức xúc khi nói về ngôi nhà 2A/4 đường Bạch Đằng phá vỡ kết cấu đường cống thoát nước cũ. Clip: Chinh Hoàng

Người chủ mới đã phá nhà cũ và xây lại căn mới. Trong quá trình xây, người này đã phá tuyến cống thoát ra kênh Nhật Bản để mở rộng diện tích xây dựng. Từ khi tuyến cống bị phá bỏ, hệ thống thoát nước trong khu dân cư hẻm 2A bị bưng bít.

"Hơn 1 tháng qua, người dân phải sống trong cảnh hôi thối vì nước thải đọng lại lâu ngày, ruồi muỗi bùng phát. Tuyến cống thoát nước ra kênh Nhật Bản tồn tại hàng chục năm qua, không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại cấp phép xây dựng, phá cống như vậy", bà K. bức xúc nói.

Nhập nhằng chuyện xây nhà trên cống, gần trăm hộ dân khiếu nại lên UBND TP.HCM  - Ảnh 3.

Ngôi nhà 2A/4 đường Bạch Đằng hiện đang trong quá trình xây dựng đã phá vỡ, san lấp hệ thống ống cống thoát nước cũ. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong khi đó, bà K.H. (58 tuổi, ngụ hẻm 2A) cho biết sau khi hệ thống thoát nước bị bưng bít, lãnh đạo phường 2 (quận Tân Bình) đã tổ chức họp với các hộ dân. Vị này yêu cầu người dân đóng tiền để đấu nối hệ thống cống thoát nước hẻm 2A vào hệ thống cống thoát nước thành phố trên đường Bạch Đằng.

"Chúng tôi phản đối, bởi một hộ lấp cống thoát nước xây nhà mà bắt người dân phải bỏ tiền ra xử lý hậu quả là không được. Sau buổi họp này, phường cho biết sẽ lấy kinh phí từ quận để thực hiện", bà H. nói.

Theo bà H., hệ thống cống thoát nước hẻm 2A hiện thấp hơn cống thoát nước của thành phố. Khi đấu nối, nước thải trong hẻm 2A cũng không thoát ra hết được. Việc đào đường cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.

"Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng khôi phục lại tuyến cống nối từ hẻm 2A ra kênh Nhật Bản như lúc ban đầu. Ai cấp phép xây dựng căn nhà 2A/4 ai, phải thu hồi lại", bà H. nói.

Phá vỡ kết cấu tuyến cống cũ, kinh phí do nhà nước, người dân cùng làm (!?)

Ở một diễn biến khác, khi trao đổi vấn đề này với phóng viên Dân Việt, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Tân Bình) ông Nguyễn Anh Quang cho biết: "Kinh phí thực hiện tuyến cống đấu nối này do Nhà nước và người dân cùng làm, hơn 300 triệu đồng. 90% kinh phí Nhà nước và 10% người dân đóng góp. Tuy nhiên, đơn vị đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ giúp cho người dân phần này", ông Quang nói.

Nhập nhằng chuyện xây nhà trên cống, gần trăm hộ dân khiếu nại lên UBND TP.HCM  - Ảnh 5.

Phía bên trong ngôi nhà 2A/4 đường Bạch Đằng đang xây dựng hiện đã che lấp hệ thống ống cống thoát nước cũ. Ảnh: Chinh Hoàng

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, người dân ở hẻm số 2A đường Bạch Đằng cho rằng, ban đầu lãnh đạo phường và quận Tân Bình nói rằng: "Kinh phí tuyến cống do người dân ở hẻm số 2A đóng góp. Vậy nhưng người dân không đồng tình, cơ quan chức năng lại nói để kinh phí quận lo".

Chủ tịch UBND phường 2 (quận Tân Bình) ông Nguyễn Anh Quang cho biết thêm: Căn nhà ở số 2A/4 Bạch Đằng, phường 2 (quận Tân Bình) trước đây có một tuyến cống nước nằm song song, nối từ khu dân cư ra kênh Nhật Bản. Đây là tuyến thoát nước chính của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Tuy nhiên, căn nhà số 2A/4 đã được thành phố cấp sổ, bao gồm khu vực tuyến cống trên. Khi người chủ mới mua lại căn nhà trên thì tuyến cống thoát ra kênh Nhật Bản thuộc chủ quyền của họ.

"Chủ nhà đã được UBND quận Tân Bình cấp phép xây dựng, nên đã lấp tuyến cống trên để mở rộng diện tích xây nhà. Tuyến cống thoát nước của hàng trăm hộ dân tại khu vực sẽ được đấu nối từ hẻm 2A vào hệ thống thoát nước có sẵn của thành phố trên tuyến đường Bạch Đằng. Việc đấu nối này đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Quang khẳng định.