Video câu chuyện của Đại tá, Anh hùng LLVTND Bùi Văn Sưu – người đã 3 lần bắn rơi máy bay F4 của không quân Mỹ. Thực hiện: Kim Duyên.
Triển lãm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam - những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, trong đó là câu chuyện của những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972.
Cả một đời gắn bó với những chiếc máy bay chiến đấu rồi máy bay dân dụng nhưng cuộc sống của ông vẫn bình dị, đời thường. Nếu có gặp, ít ai biết ông là một anh hùng không quân với bề dày thành tích diệt máy bay địch. Ông chính là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Sưu (80 tuổi). Đến giờ giọng ông vẫn hào sảng khi nhắc tới chuyện chiến trường.
Năm 1961, ông Bùi Văn Sưu tạm biệt quê hương Đông Huy (Đông Hưng) lên đường nhập ngũ và là một trong số ít học viên lái máy bay tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại Trường Không quân Liên Xô. Trong suốt thời gian học tập, Đại tá đều đạt học viên loại giỏi và ra trường với tấm bằng đỏ xuất sắc.
Ngày 5/8/1964, khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" dùng không quân, hải quân leo thang ra đánh phá miền Bắc, ông được lệnh về nước tham gia chiến đấu.
Vừa tham gia chiến đấu, vừa tổ chức huấn luyện bay, ở nhiệm vụ nào, ông cũng tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với phi công Bùi Văn Sưu được bay trên bầu trời không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà hơn hết là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Mỗi trận chiến đều có một dấu ấn nhưng có lẽ trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" từ ngày 17/12 - 29/12/1972 đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng với Đại tá Bùi Văn Sưu những sự kiện ấy vẫn được nhớ nguyên vẹn. Ông vẫn nhớ như in, đêm ngày 27/12/1972, ông chỉ huy trực tiếp ở sân bay Yên Bái, còn phi công Phạm Tuân lái máy bay MiG 21 cất cánh bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ và về hạ cánh trong điều kiện sân bay không có đèn.
"Đêm đó chúng tôi phải dùng đuôi bom đổ cát, tưới dầu đặt một hàng bên trái đường băng, mỗi đuôi bom cách nhau 100m, có một chiến sĩ đứng bên.
Khi có lệnh (pháo xanh) thì châm lửa thắp sáng hàng đuôi bom để máy bay cất, hạ cánh. Khi có lệnh (pháo đỏ) thì dùng khăn đã nhúng nước dập lửa", ông Sưu kể và nói thêm, sau đó, khi có thông tin máy bay B52 (quả đấm thép) của Mỹ bị không quân của ta bắn rơi, anh em trong đơn vị vui mừng khôn siết.
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ (sinh năm 1943, quê ở Nghệ An), cựu phi công thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 921 là cái tên không còn xa lạ trong lực lượng không quân Việt Nam.
Tại triển lãm ảnh "108 phi công chiến đấu Việt Nam" nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12.1972- 12.2022) cựu phi công Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyễn Hồng Mỹ không khỏi bồi hồi kể lại sự kiện ngày khoảnh khắc nhớ nhất trong đời lính phi công.
Ngày 19/1/1972, ông cùng Thượng úy Lê Minh Dương xuất kích. Vừa lên tới độ cao 3.000m, Sở chỉ huy thông báo có địch. Đến vùng trời Hòa Bình, phát hiện một tốp 8 chiếc F4 bên trái cách xa 18km, lập tức ông báo Thượng úy Dương tiếp cận mục tiêu rồi nhanh chóng tăng tốc.
"Bất ngờ phát hiện thêm một chiếc F4 đang ở phía trên, tôi lao vào công kích. Sau một loạt động tác công kích, chiếc F4 rướn lấy độ cao bay về hướng Thanh Hóa, tôi tăng tốc rượt theo. Khi cách mục tiêu khoảng 8km, đèn báo dầu trong buồng lái nhấp nháy báo sắp hết nhiên liệu. Nhưng, tôi xin Sở chỉ huy và cố gắng bám theo chiếc F4.
Khi khoảng cách còn 4km, tôi tăng độ cao máy bay lên theo mục tiêu. Vì sắp hết nhiên liệu, nên lúc cự ly chỉ còn 2.000m, tôi nhanh chóng phóng liền hai quả tên lửa lao thẳng vào chiếc F4. Một quầng sáng lớn bùng ngay trước mắt, chiếc F4 kia đã bị tiêu diệt. Do cự ly quá gần, không thể tránh được nên máy bay tôi chui luôn vào đám cháy và động cơ bị tắt. Hạ độ cao, khởi động lại thì động cơ nổ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa lúc nhiên liệu gần cạn", cựu phi công kể lại.
Tại một trận chiến khác, cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ đã bị thương sau khi cùng đồng đội điều khiển 2 chiếc MIG21 chiến đấu với 24 chiếc F4 và F105 của Mỹ. Nhìn ông, khó ai có thể đoán năm nay ông đã gần 80 tuổi với dáng người đậm, cường tráng, đúng phong cách "ngang tàng" của người lính phi công.
Không chỉ giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sự kiện triển lãm ảnh, ra mắt sách "108 phi công chiến đấu Việt Nam", còn là dịp để những người lính không quân gặp lại nhau sau "khoảng lặng’ 50 năm.
Những hồi ức được chia sẻ thông qua những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc, sẽ giúp công chúng và thế hệ trẻ một lần nữa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của lớp lớp cha anh đi trước, trân trọng ký ức hào hùng của một thời đạn bom, một thời hòa bình.