Ngày 17/12, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị nhà đầu tư, hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong cả nước tại TP.HCM. Tham dự hội nghị có ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GDĐT, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học và các thầy cô là hiệu trưởng trường ĐH tư thục, các nhà đầu tư, hội đồng trường…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, cả nước hiện có 60 cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư 100% trong nước. Trong đó, có 58 cơ sở giáo dục đại học tư thục, 2 cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động phi lợi nhuận.
Theo đánh giá chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các nhà đầu tư và Hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ hoạt động đào tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số cơ sở giáo dục đại học tư thục chưa có định hướng rõ về mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động, chưa thực hiện việc rà soát và kiện toàn thành viên Hội đồng trường, chưa chú trọng việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng viên, chưa triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định.
Ngoài ra, hiện đang có tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học tư thục đang tổ chức hoạt động đào tạo ngoài địa phương đặt trụ sở chính, nhưng không báo cáo Bộ về việc cho phép thành lập phân hiệu theo quy định.
Tại hội nghị, đại diện 4 trường ĐH Đại Nam (Hà Nội), Yersin (Lâm Đồng), trình bày tham luận, trong đó, ĐH Đại Nam (Hà Nội), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Khoa Luật Kinh tế, Học viên chính sách và phát triển - Bộ kế hoạch và đầu tư trình bày các tham luận: Quản trị trường ĐH tư thục trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình quản trị tại các trường ĐH tư thục – tính hợp lệ của hệ thống các quy chế; Mô hình quản trị của hội đồng trường trường đại học tư thục chuyển thành hội đồng trường ĐH tư thục; So sánh mô hình tổ chức hoạt động của hội đồng trường công lập và hội đồng trường tư thục.
Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận những ý kiến đóng góp, những trăn trở, khó khăn của các trường tư thục liên quan đến vấn đề nhà đầu tư, hội đồng trường…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, sự phát triển của các trường đại học tư thục trong thời gian vừa qua có những chuyển biến rất lớn. Việc triển khai Luật Giáo dục đại học tạo ra những quy chế mới để cho các trường đại học công lập và tư thục cùng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên trong việc thực hiện Luật này vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân có thể do từ cơ chế chính sách của nhà nước hoặc do khó khăn riêng của các trường.
Đối với vấn đề bình đẳng giữa trường công và trường tư thục, Thứ trưởng nhận định, hiện nay hai khối tư thục và công lập đều được bình đẳng như nhau về chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất. Đặc biệt về mặt chuyên môn, trong lĩnh vực mà Bộ được giao không có sự phân biệt, trường tư hay từng câu đều giống nhau việc mở ngành, duy trì chương trình đào tạo, tuyển sinh…
Đối với chất lượng phát triển: trường tư thục có đặc thù riêng so với trường công. Nhà nước khuyến khích đầu tư trường tư thục vì cho rằng, trường tư có tính năng động, tự chủ cao, sẽ làm tốt hơn nhà nước ở một số lĩnh vực... nhưng không bắt ép đầu tư. Các nhà đầu cần phải xem định hướng phát triển như thế nào, phân khúc, lựa chọn địa điểm... Nhưng điểm mấu chốt là phải lấy chất lượng làm kim chỉ nam.
Theo thứ trưởng, thời điểm năm 2011-2012, các trường ĐH tăng nhanh, quy mô phát triển sinh viên cả nước tăng đột biến. Nhưng đến năm 2017-2018 thì giảm rất mạnh, cho đến vài năm gần đây thì mới tăng trở lại. Nguyên nhân của sự sụt giảm người học là do chất lượng giảm, người học không tin tưởng, xã hội không tin tưởng dẫn đến không lựa chọn học đại học. Khi chất lượng khẳng định được, người học sẽ lựa chọn và tin tưởng đây là con đường đứng đắn.
"Trong 52 trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc gặp khó khăn, tuyển sinh dưới 30% chỉ tiêu đợt 1, có đến 27 trường tư thục. Tuy nhiên, trong có 6 trường có quy mô tuyển sinh lớn nhất lại thuộc về các trường tư thục. Điều đó cho thấy, hệ thống của chúng ta ngày càng đa dạng, các trường có cơ hội nếu có chiến lược, năng lực thì phát triển rất tốt, nhưng cũng có trường không làm được. Từ đó khẳng định, muốn tăng số lượng, thì phải tăng chất lượng", Thứ trưởng nói.