Theo nguồn tin giấu tên chia sẻ với BBC, cuộc kiểm tra sẽ xem xét cách Ukraine sử dụng các nguồn cung cấp quân sự do Anh cung cấp.
"Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát cẩn thận từng công đoạn", nguồn tin cho biết.
"Khi chiến sự bắt đầu, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã ngay lập tức hỗ trợ Ukraine. Vì vậy, ông Sunak cần thận trọng trong chính sách đối ngoại của mình", nguồn tin nói thêm.
Ông Rishi Sunak đã trở thành Thủ tướng từ cuối tháng 10, thay thế bà Liz Truss chỉ sau 50 ngày tại vị tại số 10 Phố Downing. Trước khi bị chính đảng của mình lật đổ vào tháng 9, ông Johnson từng là người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và thậm chí đã tới Kiev vào tháng 4 để ngăn cản Tổng thống Volodymyr Zelensky làm hòa với Nga, theo truyền thông Ukraine.
"Tổng thống Zelensky đã nói chuyện với ông Sunak. Ông ấy nói rằng Vương quốc Anh là những người bạn, những người đồng đội vĩ đại của Ukraine", nguồn tin của Whitehall nói với BBC.
Tình báo Anh và "những nhân vật chủ chốt ở Whitehall" tin rằng Nga đã "cạn kiệt" nguồn cung cấp vũ khí. Vào đầu tuần này, Đô đốc Sir Tony Radakin, tham mưu trưởng quốc phòng của Anh, nói với Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia rằng: "Nga đang thua và chiến thắng thực sự trong tầm tay của chúng ta".
Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, nói với tờ Economist rằng quân đội của ông cần ít nhất 300 xe tăng và 700 xe bọc thép bộ binh - nhiều hơn những gì quân đội Anh hiện đang trang bị. Mặc dù London và Washington tiếp tục gửi các đoàn xe chở vũ khí tới Ukraine, phớt lờ những cảnh báo của Moscow, họ vẫn khẳng định mình không phải là bên tham gia cuộc xung đột.
Theo nguồn tin của BBC, Anh cũng gây áp lực buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden hành động mạnh mẽ hơn đối với Ukraine. Quan chức Whitehall giấu tên cho biết: "Chúng tôi đã củng cố quyết tâm của Mỹ ở mọi cấp độ, chúng tôi tạo áp lực nhưng vẫn luôn thân thiện".