Bình Định Bắc đã đạt chuẩn xã NTM năm 2015, đây là nền tảng để địa phương tiếp tục xây dựng quê hương, hướng đến xã NTM nâng cao, xa hơn là xã NTM kiểu mẫu.
Những ngày này, có dịp trở lại xã Bình Định Bắc được tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay, bởi xã đang quyết tâm thực hiện nâng cao chất lương các tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ đó, những tuyến đường nhựa, bê tông liên xã, liên thôn được đầu tư xây dựng rộng và đẹp.
Bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay địa phương nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng bộ, chính quyền xã, đặc biệt trong đó có sự đóng góp rất lớn của người dân trên địa bàn.
Theo bà Hiệp, qua xây dựng NTM, địa phương rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm đó là trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, quyết liệt, đồng bộ, cụ thể; thường xuyên bám sát tình hình thực tế ở địa phương để chỉ đạo kịp thời…
"Hiện nay, Bình Định Bắc đang chỉ đạo các ngành tham mưu củng cố Ban quản lý, Ban phát triển thôn và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí mới của giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục duy trì Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Đồng Dương và thực hiện 2 Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Xuân Thái và Xuân An. Nhằm hướng đến xã NTM nâng cao vào năm 2025, xa hơn là xã NTM kiểu mẫu…"- bà Hiệp cho hay.
Đến nay diện mạo xã Bình Định Bắc đã có nhiều khởi sắc, ấn tượng nhất phải kể đến kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ (điện - đường - trường - trạm cơ bản hoàn chỉnh), đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân có nhiều cải thiện. Đặc biệt, những thôn/xóm đang dần thay đổi xanh - sạch - đẹp, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bà Hiệp cho biết, song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Bình Định Bắc đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương xem đây là mục tiêu "cốt lõi" của xây dựng NTM.
Thời gian qua, xã Bình Định Bắc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn - rừng.
Người dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao như: Mô hình trồng rừng, trồng tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi bò nhốt chuồng, mô hình chăn nuôi gà vịt…
Trong đó điển hình phải kể đến mô hình trồng rừng, toàn xã có trên 362,17ha rừng sản xuất, với hơn 60% số hộ có rừng, trong đó tiêu biểu phải kể đến hộ bà Trần Thị Viên, Trần Cúc (ở thôn Đồng Dương) trồng từ 7-10ha rừng mỗi hộ.
Hay mô hình trồng tiêu của hộ ông Trần Thông, Trà Tấn Tám (ở thôn Đồng Dương), hộ ông Nguyễn Tấn Lập, Nguyễn Văn Bến (ở thôn Bình An).... Thu nhập bình quân của các hộ tiêu biểu trên từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm.
"Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, người dân chúng tôi đã tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, tường rào, cổng ngõ…, để cùng với chính quyền xây dựng NTM. Giờ đây quê hương đổi mới, con em học tập trong các ngôi mới khang trang, giao thông đi lại thuận lợi, người dân hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đời sống của người dân xã nhà ngày càng sung túc, bà con ở đây phấn khởi lắm…"- ông Trần Cúc - một người dân ở thôn Đồng Dương vui mừng nói.