Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ, Liên minh HTX, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng CSXH… cùng 200 nông dân thuộc 11 huyện, thị, thành phố, tỉnh An Giang.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân
Phát biểu định hướng hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: "Mục tiêu của buổi đối thoại là để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, từ đó lãnh đạo tỉnh sẽ có những chỉ đạo sở, ngành biết được phải làm gì, làm như thế nào, làm ở đâu, khi nào làm và khi nào làm xong. Tất cả yêu cầu bà con nông dân đặt ra đều phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong điều kiện của từng sở, ngành nhằm góp phần giải quyết thỏa đáng các tâm tư, thắc mắc của hội viên, nông dân".
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành chức năng liên quan tham gia đối thoại, đối với từng vấn đề thắc mắc của cán bộ, hội viên, nông dân thuộc phạm vi nội dung chuyên môn quản lý thì phải trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
Tại buổi đối thoại, sau khi nghe đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang báo cáo kết quả thực hiện sản xuất nông nghiệp năm 2022 về kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2023; báo cáo tình hình thị trường và tiêu thụ nông sản năm 2022 của Sở Công Thương, đã có 13 nông dân phát biểu.
Các ý kiến xoay quanh vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; một số sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, giá thấp bấp bênh, giá vật tư tăng nên nông dân không yên tâm sản xuất. Tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Giá cả nông sản, gia cầm luôn bị thương lái ép giá gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của nông dân; thị trường đầu ra cho nông sản.
Nguồn vốn phát triển sản xuất, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách phát triển lâu dài cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Còn tình trạng các ngân hàng cho vay ép mua bảo hiểm, gây khó khăn cho nông dân khi tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất….
Cụ thể, nông dân Đỗ Tấn Lộc (Châu Thành) ý kiến: "Thời gian qua giá cả phân bón, xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng sản xuất của bà con nông dân; đầu ra nông sản còn phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến giá cả bấp bênh, nông dân sản xuất không có lời. Trong khi đó, nông dân sản xuất còn nhỏ lẻ, hệ thống HTX còn ít, nông dân thiếu liên kết sản xuất. Ngành chức năng có giải pháp gì hỗ trợ nông dân, để đạt mục tiêu nông nghiệp, nông thôn bền vững?".
Nông dân Phan Văn Đông (Phú Tân) kiến nghị: Nông dân sản xuất thông thường đầu ra sản phẩm còn khó khăn, để đáp ứng yêu cầu thị trường đề nghị ngành chức năng hỗ trợ bà con xây dựng sản phẩm OCOP, nhất là hỗ trợ các quy trình làm thủ tục công nhận sản phẩm OCOP".
Trong khi đó, nông dân Nguyễn Văn Bé (TP.Châu Đốc), cho biết, nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng giá thành sản phẩm bán ra thị trường vẫn không cao so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất công nghệ cao đầu tư chi phí cao nên nông dân sản xuất không có lãi. Vì thế ngành chức năng cần có chính hỗ trợ các mô hình sản xuất công nghệ cao".
Nông dân cần tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Sở, ngành trả lời ý kiến của bà con nông dân tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sau buổi đối thoại, UBND tỉnh sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh những nội dung nông dân phản ánh, có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện từng vấn đề cụ thể hoặc yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện, giải quyết.
Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các cấp Hội với vai trò tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để có những đề xuất, phản hồi thông tin kịp thời cho lãnh đạo tỉnh xem xét và chỉ đạo các sở, ban, ngành có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với các công ty, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các đơn vị phải gắn kết được với nhau; chính quyền địa phương ở huyện, thị, thành phải đối thoại với nông dân hàng năm ít nhất 1 lần để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, qua đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nông dân, của địa phương theo phân cấp, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị hội viên, nông dân phải tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, không làm ăn nhỏ lẻ, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; luôn vận động gia đình và người thân thực hiện tốt các chủ trương chính sách tại địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển tỉnh nhà.