Dự án thủy điện Hồi Xuân nằm trên thượng nguồn sồng Mã (thuộc xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 3/2010, có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 432 triệu KWh.
Dự án do Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO - thuộc Tổng Công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam) làm chủ đầu tư. Mục tiêu vào tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân chặn dòng lần 1, năm 2013 chặn dòng lần 2 và đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9/2014.
Sau một thời gian thi công rầm rộ, do không đủ năng lực về tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6/2014, Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 91% cổ phần của VNECO.
Năm 2015, dự án thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án được thi công trở lại vào năm 2017, nhưng cũng chỉ được một thời gian lại phải dừng lần thứ hai vì thiếu vốn.
Được biết đến tháng 1/2023, khoản vay 125 triệu USD có bảo lãnh có Chính phủ đến kỳ hạn thanh toán gốc và lãi theo nội dung hợp đồng đã ký.
Trước khó khăn chồng chất, VNECO mới đây đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị hoãn thanh tra dự án thủy điện Hồi Xuân để tìm cách trả nợ.
Về Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông, dữ liệu Dân Việt cho thấy, công ty thành lập ngày 8/3/1999, có trụ sở chính tại phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tại thay đổi ngày 2/6/2022, người đại diện pháp luật của công ty là ông Ngô Anh Minh Đức (SN 1972) kiêm Tổng Giám đốc và ông Trần Mạnh Thắng (SN 1966) - kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Tại ngày 27/2/2020, công ty có vốn điều lệ là 800 tỷ đồng, trong đó, ông Trần Mạnh Thắng góp 604 tỷ đồng (chiếm 75,5%), cổ đông Dương Tấn Ngân góp 16 tỷ đồng (chiếm 2%), cổ đông Hồ Thu Nga góp 48 tỷ đồng (chiếm 6%), cổ đông Lê Thế Dũng góp 32 tỷ đồng (chiếm 4%), Trương Văn Bình góp 40 tỷ đồng, cổ đông Trần Thị Thu Hiền góp 40 tỷ đồng (chiếm 5%), cổ đông Thái Minh Dương góp 16 tỷ đồng (chiếm 2%) và cổ đông Vũ Thiều Quang góp 4 tỷ đồng (chiếm 0,5%).
Đến ngày 30/12/2020, vốn điều lệ của Đông Mê Kông vẫn 800 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu cổ đông góp vốn thay đổi như sau: Ông Nguyễn Văn Thành góp 125 tỷ đồng (chiếm 15,6%), cổ đông Dương Tấn Ngân góp 16 tỷ đồng (2%), cổ đông Hồ Thu Nga 48 tỷ đồng (6%), Lê Thế Dũng góp 32 tỷ đồng (4%), cổ đông Trương Văn Bình góp 40 tỷ đồng (5%), Trần Mạnh Thắng góp 370 tỷ đồng (46,25%), bà Trần Thị Thu HIền góp 40 tỷ đồng (5%), Vũ Thiều Quang góp 4 tỷ đồng (0,5%), cổ đông Dương Thái Minh góp 125 tỷ đồng (15,62%).
Trong quý III/2022, VNECO (HoSE: VNE) ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ xuống 325,2 tỷ đồng, giá vốn bán hàng cũng khá cao với 294,5 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về còn vỏn vẹn 30,7 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính ghi nhận 4,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với gần 1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng mạnh với 25,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm hơn 67% xuống 25,3 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,7% lên 15,7 tỷ đồng.
Kết quả, quý III/2022, VNE báo lỗ gần 6,6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 663,6 triệu đồng, trong đó lỗ công ty mẹ hơn 5 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, công ty cho biết, doanh thu về hoạt động xây lắp điện giảm hơn 112 triệu đồng, tương đương giảm 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác do một số côn trình còn đang vướng mắc thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, đồng thời do vướng về room tín dụng nên doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất nhiều khi tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại, dẫn đến chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị... Vì vậy đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu với các chủ đầu tư, doanh thu sụt giảm mạnh. Dù lợi nhuận gộp quý III/2022 tăng nhưng cũng không bù đắp được các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến lợi nhuận sau thuế lỗ gần 6,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận 1.664 tỷ đồng doanh thu, tăng 68% so với cùng kỳ, lãi sau lỗ 1,1 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 4,3 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến 30/9/2022 của VNECO tăng 6% so với đầu năm lên 3.692 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm nhẹ xuống 70,6 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 162% lên 135,4 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 87% lên hơn 307 tỷ đồng, trong đó ci phí sản xuất dở dang chiếm phần lớn với 254 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 8,6% lên 2.672 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 1.971 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 67% lên 1.129,7 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 12 lần lên 526,8 tỷ đồng. Tổng vay nợ chiếm 45% nguồn vốn.
VNECO tiền thân là Tổng đội xây lắp điện 3, thành lập ngày 25/10/1995 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Năm 2007, cổ phiếu của công ty niêm yết tại HOSE với mã VNE. Cùng trong năm, VNECO tăng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2022, vốn điều lệ của công ty đạt 904,3 tỷ đồng.
Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp đến 500KV, xây dựng các công trình dân dụng, kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Trụ sở chính của VNECO đặt tại số 344 Phan Châu Trinh, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, VNECO đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tại Kỳ Anh với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng.
Trong văn bản VNECO đề xuất được đầu tư dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 120MW tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 2.430 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của doanh nghiệp là 486 tỷ đồng, nguồn vốn huy động 1.944 tỷ đồng.
VNECO đề xuất đầu tư tiếp dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh PT1, PT2, PT3 có tổng công suất 150MW tại huyện Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 3.040 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp 608 tỷ đồng, nguồn vốn huy động là 2.432 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tiến độ của cả 2 dự án từ tháng 8/2022 được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận hồ sơ bổ sung quy hoạch; tháng 12/2022 đưa dự án vào quy hoạch điện và bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 6/2023; dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 12/2024.
VNECO cam kết chịu trách nhiệm về tính khả thi trong việc đề xuất nghiên cứu khảo sát, bổ sung quy hoạch đấu nối, chịu mọi chi phí liên quan trong quá trình thực hiện dự án