Trong những chiến công hiển hách và những con người anh hùng của Đoàn 10, có Anh hùng Trịnh Xuân Bảng với những sáng tạo và tinh thần vượt khó đánh địch, lưu danh trong sử sách...
Cuộc gặp gỡ lý thú
Còn nhớ, một buổi sáng mùa thu năm 2008, tôi cùng đại tá quân đội Trịnh Hữu Hương (công tác tại Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam), đến thăm Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ở đây, chúng tôi gặp một số cựu Chiến binh của Trung đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác về thăm lại chiến trường xưa, trong đó có anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng. Cùng quê miền Trung nên chúng tôi "bắt sóng" rất nhanh, chẳng mấy chốc đã chuyện trò râm ran, vui vẻ, Với chất giọng nhỏ nhẹ, Anh hùng Trịnh Xuân Bảng kể, ông sinh năm 1942, quê xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở tuổi thanh niên, ông tích cực tham gia nhiều phong trào của địa phương và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nên tháng 4/1964, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khoảng thời gian ở rừng Sác, ông Bảng đã tham gia đánh hàng trăm trận và trực tiếp đánh chìm 4 tàu địch từ 12.000 - 15.000 tấn. Năm 1972, ông Bảng trở ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, đến năm 1987 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Ông là thương binh hạng 4 với tỷ lệ thương tật 32%, cũng là nạn nhân chất độc màu da cam. Ông mất tại quê nhà năm 2019, hưởng thọ 77 tuổi.
Tháng 5/1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông cùng một số thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ. Ban đầu ông Bảng được biên chế vào bộ đội chủ lực của huyện nhà, sau một thời gian ông lại được tuyển vào đơn vị bộ đội đặc công nước thuộc Quân chủng Hải quân. Sau một năm huấn luyện tại Hải Phòng, ông được biên chế về đại đội 2, Đoàn 126 và nhận quyết định vào Nam chiến đấu.
Sau gần 10 tháng trời băng rừng, lội suối, ông Bảng cùng đồng đội đã vào đến địa bàn huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, bổ sung cho Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Trung đoàn 10 có nhiệm vụ quan trọng là bám trụ Rừng Sác, thọc sâu, áp sát, dùng vũ khí tự chế để tiến công các kho tàng, bến cảng, tàu, sà lan của địch, khống chế sự lưu thông của chúng bằng các tuyến sông từ Sài Gòn ra biển và ngược lại.
Ông Bảng kể: Ngày đó muốn bám trụ được ở Rừng Sác để hoàn thành nhiệm vụ, người chiến sĩ đặc công phải có ý chí và một thần kinh thép, vì nhiệm vụ quá nặng nề, sống chết luôn cận kề, phải đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy. Bởi Rừng Sác, ngoài các ấp chiến lược, là vùng tự do bắn phá, bất cứ lúc nào, bom, pháo của Mỹ - Ngụy cũng có thể trút xuống. Máy bay, tàu chiến của địch quần đảo, oanh kích suốt ngày đêm.
Mỗi khi thủy triều lên, tàu trọng tải lớn của Mỹ vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến tranh từ biển vào sông Lòng Tàu, địch thường sử dụng các loại tàu rà, tàu quét chạy sát hai bờ sông để phá hủy những vũ khí của đặc công ta cài đặt, bắn phá ác liệt vào các khu vực nghi lực lượng của ta trú đóng. Chúng đổ quân trấn giữ các cửa sông, các con đường đi lại liên quan Rừng Sác. Ngoài bom đạn ác liệt cùng chất độc hóa học thì cá sấu nhan nhản cũng là mối nguy hiểm lớn đe dọa tính mạng bộ đội ta. Rồi bộ đội còn phải đối mặt với những khó khăn trong sinh hoạt như: Gạo, nước ngọt, thiếu nghiêm trọng, bởi dân ta trong các ấp chiến lược bị địch thường xuyên kiểm soát chặt chẽ nên rất khó tiếp tế cho bộ đội.
Dùng bom đạn của địch đánh địch
Trải qua 9 năm (từ năm 1966-1975), Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000-13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch...
Cuối năm 1967, đơn vị của ông Bảng bắt đầu tổ chức đánh tàu Mỹ ở cảng Nhà Bè. Nhưng phải làm sao để đưa được khối thuốc nổ đủ để đánh chìm tàu trên vạn tấn mà không bị phát hiện. Ông Bảng nảy sinh ra sáng kiến, cho thuốc nổ vào thùng tôn kín và làm một cái lỗ để điều tiết nước. Cái thùng nổi thì cho nước vào, nếu chìm sâu quá thì hút ra, nhiệm vụ của chiến sĩ là bảo đảm cho cái thùng nổi lưng chừng mặt nước để không bị địch phát hiện. Kíp hẹn giờ thì được làm bằng đường phèn, lợi dụng sức nước người chiến sĩ tính toán đặt kíp dày hay mỏng để có đủ thời gian rút lui an toàn. Sáng kiến của ông Bảng đã được đặc công Rừng Sác áp dụng và đánh thắng nhiều trận, khiến cho quân thù khiếp sợ. Mỗi trận đánh thường chỉ có 3 chiến sĩ, tất cả đều thực hiện dưới nước, họ liên lạc với nhau bằng sợi dây và giật dây làm tín hiệu.
Sau cuộc tiến công nổi dậy của ta vào Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng vây bắt, bố ráp, lập vành đai trắng xung quanh Sài Gòn. Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bị cô lập, lương thực và vũ khí cạn kiệt. Bộ đội chỉ sống cầm hơi với một ít gạo rang, cả trung đội của ông Bảng chỉ còn 1 quả B40 và mỗi người một băng đạn AK. Anh em gặp địch chỉ có tránh chứ không đánh, mấy tháng trời Rừng Sác không một tiếng súng bắn trả. Trên bầu trời, máy bay suốt ngày tuyên truyền Việt cộng Rừng Sác đã bị tiêu diệt hết, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Để củng cố niềm tin cho nhân dân, Tư lệnh Đặc khu Rừng Sác Lương Văn Nho (Hai Nhã) và Trung đoàn trưởng Lê Bá Ước xuống động viên Đại đội 5 và yêu cầu đơn vị phải gây tiếng nổ ở cảng Nhà Bè như một lời khẳng định rằng Việt cộng Rừng Sác vẫn tồn tại, vẫn luôn ở bên cạnh nhân dân. Khổ nỗi, quyết tâm thì có nhưng lấy mìn đâu mà đánh? Ban chỉ huy đại đội ai cũng im lặng.
Lúc đó trung đội trưởng Trịnh Xuân Bảng đang đi trinh sát, được liên lạc báo tin gọi về. Ông nói: "Chuyện đó dễ chứ không khó đâu thủ trưởng à", khiến anh em ai cũng trố mắt nhìn. Ông Bảng nói, bom Mỹ thả xuống nhiều quả bị câm, nhờ công binh đào một quả chừng 5 tạ, tháo hạt nổ bị câm và đặt kíp hẹn giờ của mình vào là xong. Tư lệnh ôm ông Bảng nói: Cậu đánh trận này chứ? Ông Bảng đáp lời: "Trận này khó, em đi là đi luôn chứ không về nữa" và đề nghị Tư lệnh cho ông chọn thêm 2 người giỏi nhất trung đội là ông Trần Dần (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cùng với Nguyễn Chất Xê (quê Tiền Hải, Thái Bình). Tư lệnh Hai Nhã trầm ngâm một hồi rồi đồng ý. Trước giờ xuất trận, tổ 3 người cùng ngồi ăn cơm với các thủ trưởng, coi như là làm "giỗ sống". Mọi người dồn hết gạo nấu bữa cơm cho 3 anh em ăn no nê rồi lên đường.
Khoảng 7 giờ tối tổ ông Bảng rời căn cứ, bơi bộ khoảng 30km thì vào được cảng. Chiếc tàu chở dầu nặng hơn 15.000 tấn được canh phòng nghiêm ngặt, hàng chục tàu nhỏ tuần tiễu bên ngoài, người nhái lượn lờ bảo vệ… Đến gần 2 giờ sáng, công việc cài bom đã được hoàn tất. Gần một tiếng sau, khu vực cảng Nhà Bè rung chuyển bởi một tiếng nổ khủng khiếp, tàu chở dầu 15.000 tấn bốc cháy ngùn ngụt. Bọn địch bao vây, chặn tất cả lối ra để truy bắt Việt cộng. Ba chiến sĩ bị lạc mất 1 tuần mới trở về được căn cứ.
Sau trận đánh vang dội đó, Trịnh Xuân Bảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam cuối năm 1969. Ông là lính đặc công đầu tiên của Trung đoàn Rừng Sác được phong tặng danh hiệu anh hùng. Ông Trần Dần và Nguyễn Chất Xê sau đó cũng được phong tặng danh hiệu anh hùng.