Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhà thơ Hữu Việt - con trai của nhà văn Hữu Mai - tác giả tiểu thuyết "Vùng trời", đã nhận xét: Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người "sinh ra để bay lên, sinh ra để thuộc về bầu trời…". Thời còn trẻ, có bao giờ ông tưởng tượng mình sẽ trở thành phi công tiêm kích, bắn hạ 6 máy bay Mỹ?
- Nếu nói hồi trẻ tôi có nghĩ đến việc trở thành phi công không thì không, bởi trước đó chưa có hình ảnh phi công để hình dung, mơ ước. Rất lâu sau này mới có những bài hát "Mai đây em lớn em làm phi công, bay cao hơn nữa anh ơi biết không…" cho lớp lớp các em nuôi ước vọng chinh phục bầu trời.
Nhưng có một điều tôi chắc chắn, đó là vào không quân lúc chiến tranh thì bom rơi, đạn lạc.
Năm 1965, Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sử dụng không quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 3/4/1965, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin, Báo Nhân Dân đưa bài, ảnh phi công Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... Thắng lợi ấy như lời động viên hàng vạn học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận.
Hòa trong dòng người đi khám sức khỏe vào bộ đội, tôi cũng có mặt và chắc mẩm kiểu gì cũng được nhận, bởi tôi có dáng người cao to, có sức khỏe tốt. Nhưng không hiểu sao, sau vài lần khám sức khỏe, kết quả khám lại thuộc loại B2 (loại thấp nhất), các bác sĩ đều kết luận tôi không đủ điều kiện nhập ngũ. Khi đó, bạn bè gọi tôi là "to xác", "chân đất sét"...".
Mấy ngày sau đó, đoàn giám định của Trường Sĩ quan không quân về địa phương tuyển chọn phi công và chọn được 2 người, trong đó có tôi. Tôi ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội khám sức khỏe tiếp trong 2-3 ngày liền. Các bác sĩ thông báo tôi đáp ứng được nhiệm vụ, thậm chí còn được đánh giá là có sức khỏe tốt nhất trong nhóm tuyển chọn.
Đúng lúc này gia đình lại nhận được giấy báo tôi được cử đi học ở Đức nên tôi phân vân. Ngày đó để được đi nước ngoài học rất hiếm và xa xỉ, nhưng đi Đức rồi thì không lái máy bay được nữa. Một sự lựa chọn khó khăn với tôi. Tôi nấn ná chờ thêm 5 ngày, nếu không có giấy báo trúng tuyển phi công thì sẽ đi Đức học.
Nhưng tôi không phải chờ lâu, đến ngày thứ ba, một thượng úy không quân cùng cán bộ xã đến thông báo rằng hai ngày tới tôi đến tập trung tại Tỉnh đội Hà Đông để nhập ngũ vào không quân và đề nghị gia đình giữ kín chuyện.
Biết tôi chọn đi học phi công, bố mẹ tôi phản đối, đặc biệt là mẹ. Bà khóc hết nước mắt và tìm mọi cách ngăn cản. Anh ruột tôi từng tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Anh là sĩ quan không quân đầu tiên hy sinh, năm ấy anh tôi tròn 22 tuổi.
Chiến tranh đã cướp đi người con trai cả của mẹ tôi. Sau này, khi đã là một người cha, tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi lại nhất quyết phản đối chuyện tôi đi lính, làm phi công.
Điều này cũng giải thích lý do vì sao tôi luôn bị "đánh trượt" mỗi khi đi khám sức khỏe. Anh trai tôi là sĩ quan phòng không mới hy sinh, nên tôi được miễn trừ quân ngũ. Đó là lòng tốt của mọi người đối với gia đình tôi.
Tuy nhiên, tình thế chiến tranh, các cán bộ huyện, xã đến nhà động viên, nên tôi đi học bay vì đất nước đang thiếu phi công chiến đấu. Tâm tư, nguyện vọng ngay từ đầu, tôi đã rất thích được làm phi công, đọc các bài báo về các trận đánh trên không và rồi những câu chuyện của Liên Xô (cũ) đã lôi cuốn tôi theo nghề này.
Thấy sự quyết tâm của con, mẹ tôi đành đồng ý nhưng bà vẫn canh cánh nỗi lo. Thời đó, thanh niên đi tòng quân được tiễn đưa rất náo nhiệt, riêng tôi âm thầm lên đường.
Hành trình từ một cậu học sinh "chân ướt chân ráo" vừa rời ghế nhà trường đến khi hoàn thành khoá học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô chắc hẳn là hành trình đầy kỷ niệm…
- Ngày 4/7/1965, tôi lên đường nhập ngũ trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Chỉ sau 23 ngày, tôi cùng 58 học viên khác lên tàu từ ga Hàng Cỏ sang Liên Xô (cũ) học lái máy bay chiến đấu. Khác với các phi công học viên được đào tạo trước đó - thường có một năm dự bị để học tiếng Nga - thì chúng tôi chỉ được học tiếng Nga có ba tháng. Sau đó học ngay chương trình lý thuyết chuyên môn song song học tiếng.
Giai đoạn học lý thuyết thật vất vả. Từ đầu tháng 11/1965 đến giữa tháng 3/1966, chúng tôi phải tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ, với những môn học hoàn toàn mới mẻ mà học bằng tiếng Việt còn thấy khó.
Do nhu cầu cần sớm có lực lượng không quân bổ sung cho các lớp đàn anh đang chiến đấu, chúng tôi được đào tạo nhanh nhất có thể. Chỉ sau 2 năm 9 tháng, chúng tôi hoàn thành chương trình đào tạo phi công máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thời ấy, trong khi chương trình đào tạo của bạn phải mất 5 năm.
Cuối tháng 4/1968, chàng phi công trẻ Nguyễn Đức Soát trở về Việt Nam. Mặc dù gặp bao nhiêu cảnh tàn phá, đổ nát nhưng cuộc sống chiến đấu vẫn rất sôi nổi, từ các bà các chị họp chợ ven đê, đến các cô gái cày bừa trên thửa ruộng, những thanh niên xung phong vừa đùa vui vừa làm việc.
Ông được phân công về Trung đoàn Không quân 921, một tháng sau, ông lên máy bay đi chiến đấu. Ngày 11/5/1968, phi công trẻ Nguyễn Đức Soát lần đầu cất cánh trên bầu trời Tổ quốc, tại sân bay Đa Phúc.
Cảm xúc trong lần đầu, từ trên cao nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé. "Lần đầu được tung cánh, Tổ quốc mình đẹp thật!", ông thốt lên và nghĩ tới trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, quê hương, đất nước...
"Niềm vui thật trẻ con, làm mình cứ rạo rực, lâng lâng" là cảm xúc ông đã ghi lại trong nhật ký về chiến công đầu tiên. Trận không chiến đó diễn ra như thế nào?
- Ký ức lần đầu tiên bắn rơi máy bay trinh sát không người lái tôi không bao giờ quên.
Phải nói thêm, những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã phóng hàng trăm máy bay trinh sát không người lái nhằm trinh sát các hệ thống, tuyến đường, công trình của ta từ Thái Nguyên, Yên Viên, Văn Điển, cảng Hải Phòng nhằm cung cấp thông tin giúp Không quân Mỹ lập kế hoạch phá đám. Khu vực phóng thường từ Bà Lạt (Nam Định) hoặc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa). Cái khó khi đánh máy bay này là do chúng nhỏ, bay thấp nên radar không bắt được mục tiêu.
Sáng hôm đó, trước giờ bay, tôi cùng đồng đội đang đo huyết áp thì còi báo động vang lên, chỉ ít phút sau biệt đội được lệnh cất cánh. Chỉ huy sở thông báo mục tiêu liên tục. Khi đã bay trên cao khoảng 400m, tôi phát hiện mục tiêu không người lái đang bay ở phía dưới, thấp hơn tiêm kích.
Tôi bay đuổi theo, trông thấy nó với các hình thù quái dị, 2 cánh chông chênh đỡ cái động cơ ở bụng, một cảm nghĩ vừa căm thù vừa khinh bỉ trong tôi dậy lên. Tuy radar không bám được nhưng chỉ trong thoáng chốc, máy bay trinh sát không người lái của Mỹ đã nằm gọn trong máy ngắm PKI của phi công Việt Nam.
Tốc độ tiêm kích rất lớn, vì thế tôi phải hết sức nhẹ nhàng mới giữ được điểm ngắm cố định, đến khi ở cự ly 1,5km tôi bóp cò. Quả tên lửa từ tiêm kích của tôi lao đi chệch hướng, nổ ngay cạnh máy bay không người lái của địch.
Sau 2 giây ổn định điểm ngắm, tôi lại ấn cò, quả tên lửa thứ hai được bắn đi rất căng, hướng về máy bay trinh sát, một đám lửa to lan rộng cùng tiếng nổ như tiếng pháo vang lên. "Trúng rồi! Cháy rồi!" – tôi cùng đồng đội hô vang chiến thắng. Tôi đã thành công khi lần đầu tiên bắn hạ máy bay trinh sát ở ngay khu vực núi đá vôi chùa Hương. Trở về đơn vị, bạn bè thợ máy chúc mừng chiến công, nhưng tôi vẫn thấy chưa vui trong lòng vì phải bắn tới phát thứ hai.
Là một phi công không sợ đối mặt với cái chết, liệu ông có nỗi sợ nào không?
- Tôi không sợ điều gì cả. Khi chiến đấu, trong đầu tôi chỉ nghĩ tới một điều là phải hoàn thành nhiệm vụ.
Nghề lái máy bay là nghề nguy hiểm, nghiệt ngã, đòi hỏi người phi công rất nhiều công sức, trí tuệ. Chim sa vào động cơ chết máy, không kịp nhảy dù cũng chết.
Tôi may mắn chưa có trận nào bị Mỹ bắn rơi cả. Đi đánh nhau phải nghĩ là mình sẽ đánh thắng, còn đối mặt với cái chết thì mặc nhiên, có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Số phi công tham gia chiến đấu và trở thành anh hùng rất nhiều. Nhưng ngày xưa quy định rất chặt chẽ, phi công phải bắn rơi 5 máy bay trở lên mới được phong tặng anh hùng.
Bản thân tôi nghĩ bất kỳ phi công nào khi xông vào trận đã là anh hùng, bắn rơi 1 chiếc cũng xứng đáng là anh hùng… Giữa vòng vây của máy bay địch, lằn ranh giữa sống và chết không thể xác định được.
Ông có nói, khi chiến đấu, ông và đồng đội không biết bao giờ mới kết thúc được chiến tranh, vậy điều gì đã mang về thắng lợi của chúng ta trước thế lực áp đảo về lực lượng và phương tiện hiện đại của đế quốc Mỹ?
- Vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972, sau 3 năm đàm phán, bản dự thảo của Hiệp định Paris vẫn chưa được thông qua. Với dã tâm buộc ta phải đầu hàng và ký Hiệp định Paris theo những điều kiện có lợi cho Mỹ, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không mang tên Linebacker II. Kế hoạch này sử dụng máy bay B52, là loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất thời bấy giờ, tấn công ồ ạt lên bầu trời miền Bắc, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng.
Chắc chắn trong lịch sử của dân tộc, trong ký ức của những người đã chứng kiến thì không bao giờ quên được mức độ ác liệt của 12 ngày đêm năm 1972 (từ đêm 18/12 đến hết đêm 29/12). Một B52 có thể mang được 30 tấn bom, mỗi quả bom 225kg. Như vậy, nghĩa là một B52 có thể đeo tới 120 quả bom. Từ Biển Đông, nó bay vòng qua Đà Nẵng về phía Tây, hợp với máy bay B52 từ Thái Lan bay sang chứ không bay từ Hải Phòng vào, vì khu vực đó hệ thống phòng không của chúng ta rất nhiều.
Chưa bao giờ có cuộc tập kích chiến lược lớn như thế kể từ sau Thế chiến thứ 2. Mỹ đã dùng hơn 200 máy bay ném bom chiến lược B52, 175 máy bay tiếp dầu trên không, hơn 1.000 máy bay chiến thuật F-4, F-111 và các máy bay hải quân nữa. Đến giờ mỗi lần nghĩ tôi vẫn còn xúc động, hồi hộp và cũng rất tự hào bởi dân tộc mình kiên cường. Chúng tôi là bộ đội thì không sợ đâu, thế nhưng rất thương dân.
Sở dĩ chúng ta bắn rơi được B52 do một lý do này nữa, Bác Hồ đã tiên đoán trước được kế hoạch này của Mỹ từ năm 1967, nên quân đội ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội".
Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".
Mục tiêu của quân đội Mỹ nhằm khiến nhân dân Hà Nội, và chính quyền Việt Nam phải hoảng sợ, nhụt chí, nhưng hẳn chúng đã không thể ngờ tới chí khí cũng như những dự liệu kỹ lưỡng từ phía ta. Quân đội ta đã xác định rõ, muốn giành được thắng lợi cho chiến dịch, cần phải khéo léo kết hợp giữa các lực lượng binh chủng, như không quân tiêm kích, pháo cao xạ và tên lửa mặt đất, trong đó chủ lực là Phòng không - Không quân.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ lực lượng không quân ta còn rất ít. Chỉ có máy bay MiG-21 được trang bị tên lửa mới đánh được B52. Bay đêm có khoảng 8 phi công, còn bay ngày chỉ có 10 phi công, trong cả 12 ngày đêm, chỉ có 18 phi công tất cả. Ban đêm các đồng chí đi đánh, còn ban ngày bộ đội không quân có nhiệm vụ bảo vệ trận địa tên lửa.
Hồi đó đường băng bị phá nát, đường lăn chỉ rộng 16 mét với 2 bên đầy hố bom nên nếu mà cất cánh hay hạ cánh chỉ cần chệch ra ngoài, động vào hố bom là máy bay sẽ bị tai nạn ngay.
Nhưng chúng tôi vẫn cất cánh lên, trời thì đầy mây. Buộc lòng phải nhìn B52 bằng mắt thường chứ không thể nhìn bằng radar được vì nhiễu rất nhiều để cản phá địch đánh phá tên lửa của mình ngày hôm ấy.
Khi mà đánh chưa được thì quả thực là áp lực, đêm không ngủ được vì trăn trở. Nỗi đau mà Không quân Mỹ gây ra cho nhân dân ta, nhân dân thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm ấy là rất lớn. Nó thiêu đốt trong lòng làm tôi cảm thấy có lỗi với nhân dân vì tại sao mình không chặn được cái máy bay ấy để nó vào và gây ra đau thương cho đồng bào.
Cho dù giành thắng lợi, nhưng thiệt hại mà quân đội Mỹ gây ra tại miền Bắc trong 12 ngày đêm là vô cùng to lớn. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc.
Trái lại, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu. Quân ta bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F-111, bắt sống 43 giặc lái. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng của Mỹ, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Khi Mỹ ngừng ném bom, chúng tôi khi ấy đã 25 - 27 tuổi rồi, nhưng mà vui như trẻ con. Vừa đi vừa hò hét. Có đứa vừa đi vừa lấy chậu thau khua gõ. Vì hiệp định Paris đã ký rồi...
Từ 2016-2018, tôi là người đã tổ chức được 3 cuộc gặp giữa các cựu phi công Việt Nam và các cựu phi công Hoa Kỳ. Một số phi công B52 đã nói với tôi rằng: "Chúng tôi không nghĩ là các ông có thể bắn rơi được chúng tôi trong 12 ngày đêm ấy".
Đầu năm 1973, trong tài liệu tổng kết của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân ghi nhận chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân Lục chiến Mỹ bị phi công Nguyễn Đức Soát bắn hạ tại Việt Nam. Trong khi các Không đoàn F-4 của Thủy quân Lục chiến Mỹ chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ cho Thủy quân lục chiến ở miền Nam Việt Nam. Vậy bằng cách nào chiếc F-4J đó lại bay ra miền Bắc và bị bắn hạ, câu hỏi đó cứ đeo bám tướng Soát suốt nhiều năm và phải đến tận năm 2011 ông mới có được câu trả lời.
Một buổi chiều tối tháng 12/2011, tại nhà hàng ven hồ Tây lộng gió và thơ mộng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã gặp vợ chồng cựu Đại úy phi công hải quân Mỹ Richard Berry. Trong không khí cởi mở, từ "cựu thù", hai ông như trở thành bạn tâm giao khi cùng nhau ôn lại chuyện "trên trời, dưới đất".
Đó là chương đầu tiên trong câu chuyện hoà giải, khép lại quá khứ giữa những người từng đối đầu trong chiến tranh. Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể tiếp câu chuyện nhân văn đó khi tổ chức 3 cuộc hội ngộ giữa các cựu phi công Việt Nam và các cựu phi công Mỹ.
Họ gặp gỡ nhau nhiều lần để cùng nói về cuộc chiến, nói về nhau với sự trân trọng, thấu hiểu và hữu nghị. Họ đã cùng viết những cuốn sách mới về Không chiến Việt Nam và những bài học để cung cấp tư liệu cho người dân hai nước biết thêm về cuộc chiến tranh trên không với góc nhìn nhiều chiều.
Trong nhiều năm, cựu binh Mỹ và Việt Nam chưa thể hóa giải khúc mắc, hận thù. Đâu là đầu mối để có được cuộc gặp giữa các cựu phi công ở hai chiến tuyến, mà mở đầu là cuộc gặp giữa ông và Đại úy phi công Richard Berry?
- Đầu tháng 10/2011, cựu Đại úy Mỹ Richard Berry gửi thư cho Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam đề nghị gặp tôi.
Đại úy Richard Berry sinh năm 1943, là chủ một ngân hàng và là bạn thân của phi công Sam Garry Cordova - phi công F-4J bị hạ năm xưa. Mục đích chuyến đến Việt Nam của Berry là tìm phi công Việt Nam đã bắn rơi bạn ông và tìm hiểu bằng cách nào tôi đã bắn rơi được nó.
Tối 26/12/2011, chúng tôi gặp nhau tại một nhà hàng ven Hồ Tây, Hà Nội trong không khí cởi mở. Tôi đã giải thích lý do vì sao máy bay của phi công Cordova bị bắn hạ. Còn phi công Berry giải đáp câu hỏi đeo đuổi tôi hơn 38 năm: "Vì sao chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ lại bay ra miền Bắc và bị bắn hạ vào ngày 26/8/1972, trong khi lẽ ra nó phải ở miền Nam Việt Nam?".
Ông Berry đã giải đáp thắc mắc bấy lâu nay của tôi. Sau khi hoàn thành tham chiến ở căn cứ Chu Lai, Phi đoàn VNMA-232 đã chuyển về căn cứ ở Thái Lan với 24 phi công và dẫn đường. Viên phi đoàn trưởng khi đó tình nguyện tham gia "săn MiG" ở Bắc Việt Nam, trong phi đoàn chỉ có Cordova xung phong đi cùng. Như vậy, do chỉ có 2 phi công xung phong nên trong trận này cũng chỉ có 2 chiếc F-4J xuất kích.
Thái độ thiện chí và cởi mở của ông Richard Berry trong buổi gặp gỡ tối 26/12/2011 cùng với thông tin về việc phi công phi công Jack R.Trimble năm 2012 sang Việt Nam để gặp Thiếu tướng phi công Trần Việt chỉ để chuyển lời cảm ơn của mẹ ông tới phi công Trần Việt rằng: "Tuy hạ máy bay nhưng không bắn chết con bà trong trận đánh ngày 27/12/1972", đã thôi thúc tôi lên kế hoạch tổ chức để các cựu phi công hai nước gặp nhau.
Ý tưởng là vậy nhưng cũng phải mất đến 5 năm thư từ trao đổi, tôi cùng cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng, với sự tham gia tích cực từ Đại tá Charlie Tutt - cựu phi công lái F-4J của Thủy quân lục chiến Mỹ từng đóng quân tại căn cứ Chu Lai, Quảng Nam (1967-1968) mới tổ chức được cuộc gặp mặt đầu tiên vào ngày 13/4/2016 tại Hà Nội.
Cuộc gặp này có sự tham dự của 12 phi công Việt Nam, 11 phi công Mỹ và sự hiện diện của Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam, Douglas Pete Peterson, cũng là một phi công lái F-4 từng bị tên lửa phòng không của ta bắn rơi tại Hải Dương. Ngoài việc làm sáng tỏ thêm những tình huống trong các trận không chiến, cuộc gặp còn đạt được mục đích cao cả hơn, đó là hòa giải, đúng với chủ trương của Đảng ta là "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Để chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai diễn ra tại Mỹ vào năm sau, Đại sứ Pete Peterson đã hỗ trợ đoàn cựu phi công Việt Nam rất nhiều, từ làm thủ tục visa, hộ chiếu đến lập kế hoạch làm việc cụ thể, chu đáo.
Phi công Mỹ rất tôn trọng phi công Việt Nam. Buổi giao lưu trên tàu sân bay sân bay Midway tại căn cứ Hải quân Mỹ ở thành phố San Diego, California cuối tháng 9/2017 có gần 100 phi công Mỹ đến từ 50 bang trên khắp nước Mỹ và 700 khán giả, trong đó có hơn 50 Việt kiều đến từ quận Cam. Phía Việt Nam có 12 cựu phi công. Buổi gặp ấy, phía sau lưng có một chiếc phông rất to in dòng chữ chủ đề bằng Tiếng Anh – tạm dịch "Từ không chiến đến hoà giải".
Tại cuộc gặp, một cựu phi công Mỹ đứng dậy hỏi: "Ông Soát đã bắn rơi 6 máy bay của chúng tôi. Vậy ông có ghét người Mỹ không?". Tôi khá bất ngờ và trả lời: "Tôi cũng như các ông, vào tình huống nguy hiểm chỉ nghĩ phải bắn rơi máy bay chứ không nghĩ là bắn chết phi công. Đó là điều khác biệt giữa trận chiến bộ binh và trận không chiến". Lúc đó, tất cả mọi người ở dưới vỗ tay không ngớt.
Cũng trong cuộc gặp này, tôi đã gặp Đại úy John P.Cerak, người bị tôi bắn rơi trong trận chiến ngày 27/6/1972. Đại úy P.Cerak kể lại rằng, nếu hôm đó máy bay của ông không bị bắn rơi thì chắc chắn ông đã có một chuyến du ngoạn thú vị trên bầu trời trong một ngày đẹp trời. Câu chuyện của Đại úy P.Cerak khiến cả hội trường rộ lên tiếng cười vui vẻ.
Các cựu phi công Mỹ nói rằng, không quân Mỹ đã từng đánh nhau từ suốt Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, đánh nhau với không quân Đức, Ý, Nhật… Sau này, Đức, Nhật là đồng minh của Mỹ, tuy nhiên chưa có cuộc gặp mặt nào. Chỉ có cựu phi công Việt-Mỹ là có những cuộc gặp như vậy. Đây là sự kiện đặc biệt và chưa từng có.
Tháng 10/2018, các cựu phi công Mỹ và Việt Nam tổ chức cuộc gặp lần thứ 3 với chủ đề "Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển" tại Hà Nội.
Mới đây nhất, từ 27-30/10/2022, tại thành phố San Antonio, bang Texas, các cựu phi công Mỹ trong hiệp hội những phi công Át (ACES - bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên) của không quân Mỹ mời tôi sang dự hội thảo, tôi đi dự và vừa mới trở về.
Nỗi đau dường như vẫn còn đó, chưa khi nào hết nguôi ngoai nhưng mọi người đều muốn cởi bỏ dần những hận thù để hướng đến tương lai. Ông có gặp khó khăn gì khi tổ chức những buổi gặp mặt cựu phi công Việt-Mỹ?
- Khi Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, ông ấy có nói: Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có những bước thăng trầm và khó khăn, nhưng đạt được như hiện nay có công rất lớn của các cựu chiến binh.
Khi đến Việt Nam, không phải tất cả các phi công đã từng bị bắt làm tù binh đều có tâm thế hoà hợp.
Có một chuẩn đô đốc Mỹ, trước khi sang Việt Nam năm 2016, ông ấy gửi cho tôi bức thư: "Thưa tướng Soát, tôi đề nghị ông đừng bắt tôi giam vào Hoả Lò". Tôi cũng không hiểu tại sao ông ấy lại viết như vậy. Khi đến gặp, tôi mới biết ông ấy từng là tù binh bị bắt vào nhà tù Hoả Lò. Khi bị bắt ông mang hàm đại uý. Sau khi được tôi đón tiếp, ông ấy đã tặng tôi chiếc huy hiệu phi công của Hải quân Mỹ. Chiếc huy hiệu ấy chỉ cấp cho mỗi người một lần duy nhất trong đời.
Đến khi về nước, ông ấy trả lời một tờ báo rất hay, đó là "Nhà tù nhỏ nhất nằm giữa hai cái tai của bạn, nếu bạn không đến tận nơi, không nghe những thông tin khác, không hiểu thêm về người khác thì vĩnh viễn bạn sẽ bị giam hãm trong hai cái tai của mình và luôn luôn giữ lại hận thù mà cả đời phải mang. Hãy đến đấy gặp mọi người đi và biết thêm về đất nước ấy". Năm 2017 chính ông này đã hỗ trợ trưởng đoàn Mỹ lo chương trình rất chu đáo.
Sau những lần gặp mặt, những cựu phi công từng ở hai bên chiến tuyến giờ trở thành bạn của nhau, tuy tuổi tác đều đã ngoài 70-80. Dù không thay đổi được quá khứ, nhưng chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm của mình, đó là phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.
Bên cạnh những chiến công hào hùng của tướng Soát, ít người biết câu chuyện tình yêu giản dị mà sâu đậm giữa ông và người vợ quá cố- câu chuyện mà ông ít khi chia sẻ...
Trước khi quen ông, bà Lê Hoàng Hoa là người yêu của phi công, AHLLVTND Vũ Xuân Thiều - người đồng đội rất thân thiết của ông.
Đêm 22/12/1972, Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến khi đã cùng chiếc MiG-21 cảm tử lao thẳng vào pháo đài bay B52 của Không quân Mỹ.
Sự hy sinh của Vũ Xuân Thiều là mất mát quá lớn với phi công Nguyễn Đức Soát và cô gái trẻ Lê Hoàng Hoa - khi ấy đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Ki-si-nhốp, Liên Xô.
Tình cảm với cô gái xuất phát từ tình thương như một người anh, một người bạn dần lớn lên theo thời gian. Hai năm sau, khi tình yêu đã nảy nở, đã có lúc người lính trẻ cảm thấy phân vân về mối quan hệ của họ. Nhiều lúc ông muốn tiến xa hơn, nhưng rồi tự nén lòng mình lại.
Sự ngập ngừng ấy có nguyên nhân. Bởi cuộc đời người phi công tiêm kích tuy rất hào hùng nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, mà bà Hoa thì đã từng yêu và mất người yêu là một phi công như ông…. Nhiều lúc ông tự hỏi, tự dằn vặt bản thân rằng liệu mình có quá ích kỷ, khi bắt một cô gái trẻ phải chịu đựng cảm giác sống trong lo sợ thêm lần nữa hay không?
Thế nhưng theo thời gian, những cánh thư ngày một nhiều hơn, cùng với đó, tình thương yêu, niềm tin của ông bà dành cho nhau cũng ngày một bền chặt. Những phân vân, lo lắng dần tan biến, nhường chỗ cho tình yêu đơm hoa, kết trái.
Thời điểm nào ông và bà quyết định xây dựng gia đình?
- Tôi lập gia đình muộn, khi đã là Thiếu tá, Trung đội phó Trung đoàn Không quân.
Không phải riêng tôi mà hầu hết lớp phi công chúng tôi đều sau năm 1975 mới xây dựng gia đình, tôi thì đến đầu năm 1976, một phần vì bạn gái tôi đi học ở Liên Xô. Năm 1968, khi về nước làm lý lịch chuẩn để làm hồ sơ cán bộ thì có một anh phi công lớp trên nói rằng "Chúng mày chú ý, trên quy định là 28 tuổi phi công mới được lấy vợ", thế là tôi sửa năm sinh từ1947 thành 1946.
Lúc bấy giờ chiến tranh, bọn tôi không muốn mình gắn bó sâu với ai đấy bởi có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Lấy vợ muộn một mặt vì điều kiện khách quan của nhiệm vụ, một mặt cũng bởi vì tôi không muốn để những người mình yêu quý phải chịu khó khăn.
Ở độ tuổi này, còn điều gì khiến ông còn trăn trở, day dứt?
- Có một bài hát Nga được viết sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Xô Viết chống phát xít Đức (1941-1945) kết thúc mà tôi rất thích. Đó là bài "Giờ này anh về đâu". Bài hát nói về tâm trạng của những chiến sĩ Hồng quân còn sống sau chiến tranh nhớ về đồng đội. Mỗi khi nghe bài này tôi không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ đến những đồng đội của mình, người còn, người mất, những người đã gắn bó với tôi trong suốt những ngày tháng ác liệt của chiến tranh.
Đến tận bây giờ, sau hơn 50 năm, tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi đọc lại trang nhật ký do chính tôi viết ngày 9/11/1966:"… Ôi! Bầu trời trong xanh thân yêu. Có thể so sánh tình yêu của ta với người với ai được không? Không – Không thể được. Người là tất cả. Ta sẽ sống với người và chết với người. Giờ đây người là nguồn an ủi duy nhất của ta!"
Những dòng nhật ký tôi đã viết sau năm học bay đầu tiên trên máy bay L-29, khi tôi 20 tuổi ấy như một lời nguyền về tình yêu của tôi với bầu trời, một bầu trời luôn xanh trong trên quê hương thân yêu, một bầu trời không vấy bẩn vì bom đạn giặc.
Chính bầu trời đã làm nảy sinh trong tôi ước muốn được chinh phục. Chính vì một bầu trời luôn trong sáng mà bao đồng chí thân yêu của tôi đã không trở về, họ mãi mãi sống trong "đại dương thứ năm", mãi mãi "sống trên bầu trời quê Mẹ".
Tôi có 44 năm phục vụ trong quân đội và có tới 37 năm gắn bó với Quân chủng Phòng không – Không quân, gắn bó với bầu trời. Tôi hiểu, sức mạnh của bộ đội không quân không chỉ là những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại mà yếu tố quyết định làm nên sức mạnh thực sự là một đội ngũ phi công tài ba, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì nước, là một đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, luôn vững vàng trước những thử thách và luôn khiêm tốn học hỏi để vượt lên chính bản thân.
Suốt đời tôi mãi tri ân những người bạn chiến đấu cùng thời, những người chỉ huy tài ba, những cán bộ làm công tác chính trị, tham mưu, đảm bảo kỹ thuật, hậu cần… Tất cả đã giúp tình yêu bầu trời của tôi được trọn vẹn.
Suốt đời tôi luôn có khát vọng bầu trời quê mẹ luôn xanh trong và mãi mãi bình yên!
Xin chân thành cảm ơn ông với cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này!
(Bài viết có tham khảo Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng Nguyễn Đức Soát)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.