Dân Việt

Vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài: Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án

Bách Thuận 22/12/2022 12:03 GMT+7
Sáng 22/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án vụ chuyển trái phép hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài.

Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án cao nhất

Cụ thể, sau 2 ngày xét xử, sáng nay, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án với 12 bị cáo trong vụ "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Vụ án có 13 bị cáo bị truy tố với tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Anh Tuấn (SN 1984, TP.Hà Nội, bộ đội phục viên, chồng Nguyệt), Nguyễn Văn Thắng (SN 1985, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Thị Nga (SN 1988, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Thị Hà (SN 1979, TP.Hà Nội, giáo viên), Nguyễn Văn Thực (SN 1979, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Văn Việt (SN 1998, Hải Dương, lao động tự do), Nguyễn Minh Khang (SN 1995, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Việt Hùng (SN 1991, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Hữu Thuật (SN 1981, Quảng Ninh, lao động tự do), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, Hải Dương), Phạm Hồng Hạo (SN 1967, Hà Nam, lao động tự do. Trước phiên xét xử có 1 bị cáo tử vong.

Cặp vợ chồng Nguyệt, Tuấn và các bị cáo khác bị cáo buộc mở 8 công ty, quay vòng nguồn hàng nhằm mục đích vận chuyển trái phép hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để hưởng hoa hồng.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyệt và các đồng phạm là rất nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm phạm tính ổn định phát triển của nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây hoang mang bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân nên cần áp dụng hình phạt nghiêm minh với các bị cáo.

Vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài: Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án - Ảnh 1.

Vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Anh Tuấn bị phạt tổng cộng đến 12 năm 6 tháng tù; các bị cáo còn lại cũng bị tuyên mức án tương xứng hành vi phạm tội. Ảnh: DT

Trong vụ án, Nguyệt là người chủ mưu khởi xướng điều hành mạng lưới vận chuyển tiền tệ nêu trên, thu lời bất chính lớn nhất, nên có vai trò cao nhất nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc với bị cáo để có sức răn đe.

Với Phạm Anh Tuấn, bị cáo tham gia trợ giúp Nguyệt trong quá trình phạm tội, tham gia điều hành mạng lưới chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên bị cáo có vai trò cao thứ hai.

Căn cứ vào chứng cứ, tài liệu cũng như diễn biến xét xử ở phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định, tuyên vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Anh Tuấn cùng 10 bị cáo còn lại phạm tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Về hình phạt, tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt 7 năm 6 tháng tù, Phạm Anh Tuấn 5 năm tù, Phạm Hữu Thuật 30 tháng tù; phạt bổ sung Nguyệt 50 triệu đồng, Tuấn 30 triệu đồng, Thuật 20 triệu đồng. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Dùng công ty "bình phong" ký hợp đồng khống

Án sơ thẩm xác định, năm 2016, nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật.

Nhóm này hợp thức hồ sơ để chuyển tiền thông qua Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH đầu tư Đại Phát. Thuật đồng ý bán cho Nguyệt hồ sơ tạm nhập tái xuất với giá 30 đến 40 triệu đồng, còn Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu con dấu, chữ ký giám đốc để hoàn thiện hợp đồng. 

Vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài: Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án - Ảnh 2.

Bị cáo đầu vụ Nguyễn Thị Nguyệt bị cáo buộc hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng từ phi vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài. Ảnh: DT

Hai người sau đó góp tiền mua linh kiện điện tử (IC) điều khiển từ Trung Quốc, rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tái xuất sang Trung Quốc và chuyển lại cho Thuật.

Thuật đã mở 49 tờ khai hàng hóa với tổng giá trị nhập khẩu là 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Thuật sau đó dùng pháp nhân của 2 công ty cùng tên Đại Phát và Công ty TNHH xuất nhập khẩu BDA (trụ sở tại Hải Phòng) để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng.

Nguyệt sau này biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên năm 2017 bàn với chồng mượn chứng minh nhân dân của những người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty.

Các hợp đồng kinh tế khống được lập, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh từ Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để lấy tờ khai hải quan.

Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn liên hệ với các nhân viên của 3 chi nhánh ngân hàng tại Móng Cái. Các nhân viên đã hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ giao dịch chuyển tiền.

Từ năm 2016 đến 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.