Không chỉ hiến máu, cho đi dòng máu quý giá của mình mà nhiều người còn không quản ngại đường xa, đêm hôm để tìm đến người đang cần máu của mình để được "hồi sinh".
Tại cuộc gặp gỡ những người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype do Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương vừa diễn ra, rất nhiều tấm gương hiến máu tình nguyện đã khiến nhiều người phải khâm phục.
Đối với những người hiến máu nhóm máu hiếm, họ không chỉ sẵn sàng cho đi dòng máu của mình mà còn phải sẵn sàng "phi đến" bệnh viện bất cứ lúc nào khi có cuộc gọi khẩn cấp, báo tin có bệnh nhân "thập tử nhất sinh" đang cần dòng máu của họ.
Chính nhờ những trái tim tràn đầy tình yêu, vô tư cho đi, những bước chân không ngại gian khó của họ đã cứu sống rất nhiều cuộc đời.
Anh Nguyễn Đăng Thanh Long (sinh năm 2000, Hải Phòng) chia sẻ, anh đã tham gia hiến máu nhiều lần. Khi còn là sinh viên, anh cũng tham gia Chi hội thanh niên vận động hiến máu.
Tuy nhiên, vào một buổi tối trước Tết Nguyên đán năm ngoái, anh bất ngờ nhận được một cuộc gọi cho biết, anh là người có nhóm máu hoà hợp phenotype và hiện đang có bệnh nhân cấp cứu rất cần máu của anh
“Lúc đó, tôi cảm thấy mình quan trọng hơn và cần phải làm nhiều hơn cho những người bệnh đang cần dòng máu hiếm của mình", Long cho biết.
Anh cũng đã không quản ngại, lên đường đi Hà Nội ngay để được hiến máu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra căng thẳng. Anh bị say xe, lại không muốn xuống viện mà sức khỏe không đảm bảo nên bất chấp rét lạnh hay dịch bệnh, một mình đi xe máy vượt hơn 120 km xuống Hà Nội để hiến máu.
Thậm chí, khi hiến máu xong, anh đã chờ đợi bệnh nhân truyền máu của mình xong, không có vấn đề gì mới thực sự an tâm ra về.
Long cho biết, số lần hiến máu của anh đã nhiều hơn số tuổi, với 26 lần hiến máu.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Phó Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp – Trường Đại học Thăng Long) đã hiến máu hơn 30 lần. Bình thường anh Tuấn đều chủ động đi hiến máu định kỳ theo đợt do nhà trường hoặc địa phương tổ chức.
Cách đây hơn 1 năm, anh Tuấn nhận được cuộc gọi của Viện, có một người bệnh đang cần truyền máu, và máu của anh phù hợp để truyền cho người đó.
“Tôi không kịp suy nghĩ nhiều, chỉ biết là Viện đã gọi thì chắc là rất cần. Ngay lúc đấy, tôi sắp xếp công việc mọi thứ để đi hiến máu luôn. Tôi cảm thấy mình cần hiến máu nhiều hơn nữa. Mỗi lần hiến máu xong, tôi thấy vui vì đã đóng góp điều gì đấy dù nhỏ nhưng có ích cho xã hội”.
Các cuộc gọi như vậy hầu như đều mang tính khẩn cấp và chỉ có anh mới giúp được trong trường hợp đó. Kể từ đó trở đi, anh Tuấn thường xuyên hiến máu theo những “cuộc hẹn” bất ngờ.
Dù đã hơn 30 lần hiến máu nhưng Tuấn chia sẻ, anh còn biết nhiều người đã hiến máu tới hơn 100 lần, 130 lần. Vì vậy, anh cũng mong muốn có ngày mình có thể đạt được con số hàng trăm lần hiến máu, để mình có thể giúp ích được cho nhiều người hơn nữa.
Theo TS Hoàng Thị Thanh Nga. Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) thì còn rất nhiều hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao.
Khi cơ thể được truyền máu nhiều thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và có nguy cơ sinh ra kháng thể bất thường. Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Vì vậy, ngoài hoà hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) thì người nhận cần được truyền máu hoà hợp các kháng nguyên của hệ nhóm máu khác.
Nhiều năm qua, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình/dự án mà Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên (người hiến máu hoà hợp phenotype).
Khi người bệnh cần, nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm hoặc nhóm hòa hợp phenotype không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách. Những "người hùng" hiến máu này đã xuất hiện kịp thời và cứu sống được nhiều cuộc đời.