Clip giới thiệu về siêu du thuyền được phát sóng tại Công ty Cổ phần tài chính ALG trên màn hình đặt tại tầng 5, số 59 Quang Trung, Hà Nội.
Cái gì cũng có rủi ro
Trong một buổi tham dự sự kiện, PV đã gặp ông Bùi Việt Quân - người tự giới thiệu là Chủ tịch Tập đoàn Alliga.
Ông Bùi Việt Quân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alliga xác nhận Công ty Cổ phần tài chính ALG là một đơn vị trực thuộc của Tập đoàn ALLIGA và bà Trần Thị Thanh Tâm, người đại diện theo pháp luật của Công ty Tài chính ALG chính là vợ mình.
Ông Bùi Việt Quân cũng xác nhận, nhân viên của công ty có huy động vốn và đang huy động với lãi suất như nhân viên đang tư vấn để đầu tư 3 chiếc du thuyền 6 sao trị giá mỗi chiếc khoảng 2.000 tỷ đồng.
"Tàu 6 sao này do chính tôi thiết kế. Còn hiện chúng tôi đã làm 3 chiếc tàu nhỏ vận chuyển từ 2 tới 4 người do Z189 Bộ Quốc phòng thi công. Trong đó có 1 chiếc tàu hoạt động trên sông Sài Gòn, giúp người dân trải nghiệm miễn phí. Còn một chiếc trên sông Hậu và 1 chiếc trên sông Hồng có thu thêm phụ phí của người dân tham thuê tàu", ông Quân nói.
Nói về việc huy động vốn với lãi suất cao bất thường, ông Bùi Việt Quân cho biết: "Việc huy động vốn là quyền của các doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực Bất động sản có quy định về huy động vốn và mở bán nhưng với du thuyền thì chưa có quy định cụ thể là khi nào huy động vốn".
Ông Quân tiếp tục xác nhận, việc huy động vốn của công ty là để đầu tư đóng 3 siêu du thuyền 6 sao, dự kiến 1 chiếc hoàn thành vào năm 2023, 1 chiếc là 2025 và một chiếc còn lại vào 2028.
Phóng viên đặt câu hỏi, liệu dự án này có khả thi không, trong điều kiện rất nhiều mô hình huy động vốn của doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn trước đó đã gặp phải khó khăn, thậm chí có trường hợp đã rơi vào vòng lao lý?
Ông Bùi Việt Quân cho biết: "Việc huy động góp vốn của khách hàng tham gia vào cùng với công ty để đóng tàu là vì mục đích cùng phát triển, bằng sự thoả thuận tin tưởng với nhau. Còn doanh nghiệp nào cũng có rủi ro, cái gì nó dễ quá không tới mình. Tất nhiên là đầu tư phải có tính toán và mong nhận được sự ủng hộ cho sự phát triển sáng tạo của công ty từ cơ quan truyền thông".
Nhưng những điều khoản trong bản hợp đồng soạn sẵn dành cho khách hàng lại cho thấy phần rủi ro dành cho khách hàng là nhiều.
Những điều khoản bất lợi cho khách hàng trong hợp đồng hợp tác
Chúng tôi được tiếp cận mẫu Hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tài chính ALG. Trong mẫu hợp đồng này, khong có nội dung nào đề cập đến việc góp vốn để sản xuất siêu du thuyền trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Nội dung hợp tác là "Bên B (khách hàng – PV) đề xuất góp vốn và Bên A đồng ý tiếp nhận vốn góp hợp tác của Bên B theo các điều kiện quy định tại Hợp đồng này để hợp tác kinh doanh cùng Bên A".
Ngay từ Điều 1 của Hợp đồng, quả bóng trách nhiệm đã được đẩy về phía khách hàng khi họ là người "đề xuất góp vốn". Thêm nữa, trong thời hạn hợp tác khách hàng không được phép hủy ngang mà để Bên A toàn quyền quyết định sử dụng số tiền hợp tác theo quy định tại Điều 3 Hợp đồng.
Chưa hết, khách hàng cũng phải xác nhận trong Hợp đồng là "không rút khoản hợp tác trước thời hạn hợp tác dưới bấy kỳ hình thức nào".
Lợi ích hợp tác được quy định trong Điều 4 Hợp đồng, theo đó khách hàng được hưởng lợi nhuận cố định trên khoản hợp tác. Nhưng có một điều khoản "trái khoáy" được cài vào đây để khách hàng có thể không nhận được tiền mặt "lợi nhuận cam kết".
Đó là: "Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán mà Bên A không thanh toán cho Bên B lợi nhuận cam kết hoặc bất kỳ khoản tiền nào phải trả cho Bên B theo Hợp đồng này thì khoản tiền đó sẽ được quy đổi thành sản phẩm do Bên A kinh doanh tại từng thời điểm. Việc sử dụng, khai thác sản phẩm của Bên B phải tuân thủ các quy định của Bên A ban hành tại từng thời điểm áp dụng cho mọi khách hàng".
Có thể thấy, với điều khoản này, khách hàng như cầm "đằng lưỡi dao" khi đóng tiền góp vốn cho Công ty nhưng khoản lợi nhuận cam kết nhận về chưa chắc đã phải là tiền mà có thể là một "sản phẩm nào đó" do phía doanh nghiệp kinh doanh.
Khi trao đổi với ông Quân chúng tôi cũng đặt câu hỏi vì sao Công ty không vay vốn ngân hàng và đầu tư siêu du thuyền 2.000 tỷ đồng, sau đó mới mở bán huy động người dân góp vốn?
Ông Bùi Việt Quân nói: "Để vay vốn ngân hàng phải có đủ điều kiện và không có tài sản thế chấp nào ra được 2.000 tỷ đồng".
Như vậy, chính ông Quân cũng đã thừa nhận về việc không có đủ tài sản thế chấp cho ngân hàng để thực hiện dự án "siêu du thuyền này". Trong khi đó, nguồn thu của Tập đoàn Alliga, theo ông Quân "chủ yếu từ đóng tàu bán và cho thuê.
Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp của ông Quân cũng không phải là nơi trực tiếp đóng tàu mà phải hợp tác với đơn vị khác.
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Ngọc, Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự cho biết: "Với mô hình siêu du thuyền ở trên biển không phải là bất động sản nên cũng chưa có quy định chi tiết giai đoạn nào doanh nghiệp đầu tư được huy động vốn".
Còn về lãi suất huy động, luật sư Hoàng Ngọc cho rằng, theo quy định tại Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế thì khuyến cáo, việc tham gia góp vốn đầu tư vào mô hình mà lãi suất đã cao, lên tới gần 20% đồng thời tặng ưu đãi gần như 1 đổi 1 kèm theo, khó có mô hình kinh doanh nào có thể đem lại được lợi nhuận như thế. Do đó, nhà đầu tư cần phải cân nhắc khi tham gia.
Với các mô hình huy động vốn với lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng đang huy động nhà đầu tư phải xem xét về nguy cơ, khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền để trả lãi, chủ yếu trông chờ lấy tiền của nhà đầu tư sau, trả lãi cho người đầu tư trước sẽ không cân đối được dòng tiền, doanh nghiệp có thể bị phá sản bất cứ lúc nào.