Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị và tọa đàm “Vai trò của Blockchain trong phát triển kinh tế số”. Trong đó, công nghệ blockchain được các chuyên gia, diễn giả đánh giá cao và có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế số.
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: "Trường ĐH Ngoại thương (FTU) định hướng trở thành ngôi trường đổi mới sáng tạo. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và tương lai của trường, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số, vai trò của blockchain, trong phát triển đại học, trong nghiên cứu và trong đào tạo. Sứ mệnh của FTU là đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện những mục tiêu trên, chuẩn bị những hành trang và xây dựng các chương trình đào tạo…
Nhà trường nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số, vai trò của blockchain, trong phát triển đại học, trong nghiên cứu và trong đào tạo. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường ĐH Ngoại thương hiện giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhưng đang có định hướng trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hướng tới phát triển các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong đó có các môn về khoa học dữ liệu, kinh tế số và Fintech".
Cũng theo ông Anh Tuấn, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Hiện, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Xét về bản chất, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số với các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud, Computing), chuỗi khối (Blockchain)…
Vì vậy, vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Bách Việt - Giám đốc Chiến lược Microtec Việt Nam chia sẻ về vai trò này của công nghệ Blockchain, công nghệ giúp chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo ông Việt, trong nền kinh tế số có 3 đóng góp vai trò lớn gồm:
- Quy trình số: Để vào được nền kinh tế số thì cần phải có quy trình số hóa nhằm giảm thiểu thời gian chờ để trôi trong dòng chảy kinh tế số sẽ nhanh hơn.
- Hợp đồng điện tử: Việc này sẽ giảm giảm quá trình, thao tác ký kết, đóng dấu.
- Hoàn tất: Hoàn tất giao dịch trong nền kinh tế số.
Ở blockchain đóng góp với vai trò cung cấp dữ liệu giúp truy vết các công đoạn trong quá trình sản xuất xem sản phẩm đi qua những đơn vị nào và các thiết bị OIT sẽ giảm thiểu công việc của con người để làm những công việc vòng lặp.
Ông Việt lấy ví dụ, công nghệ blockchain sẽ vô cùng hữu ích trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuê xe. Theo đó, người cho thuê và người thuê sẽ không cần phải làm những thủ tục trực tiếp như trước đây mà chỉ cần vài thao tác thông qua 2 màn hình điện thoại với nhau. Ở lĩnh vực y tế, cơ quan chức năng yêu cầu các bệnh viện phải có hồ sơ bệnh án điện tử. Còn trong giáo dục, các thông tin, bài học sẽ được truyền tải qua nền tảng số để sinh viên tiếp cận với kiến thức mà tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển.
Có thể thấy, trong thương mại điện tử, blockchain sẽ giúp chúng ta lưu ký, sở hữu hóa những tài sản số. Trong đó, việc sáng tạo nội dung trên TikTok cũng đòi hỏi bản quyền, giá trị mang lại để cho người sáng tạo được sở hữu. Từ đó, giá trị con người được đề cao ở việc sáng tạo so với những công nghệ hay máy móc.
"Trước đây, giao dịch mua bán sẽ trao đổi bằng tiền mặt và hiện vật, nhưng hiện nay giao dịch sẽ được chuyển từ vật lý (tiền mặt) sang hình thức chuyển khoản (tiền số). Trong trục giao dịch, blockchain đóng góp vai trò trong việc thanh toán là rất lớn vì tăng được niềm tin và dòng chảy kinh tế số sẽ nhanh hơn", ông Việt khẳng định.
Đưa ra cái nhìn tổng quan khi kết thúc tham luận, ông Nguyễn Bách Việt khẳng định những vai trò của blockchain trong thúc đẩy kinh tế số hiện nay gồm:
Thứ nhất là niềm tin dữ liệu đã được số hóa được lưu trữ, thông tin được thông sốt trên nền tảng số. Thứ hai là việc tự động hóa ứng dụng các công nghệ AI và định danh điện tử giúp quá trình ký kết xuyên suốt giảm thiểu công tác kiểm soát.
Thứ 3, blockchain giúp đẩy nhanh và kích hoạt sớm giao dịch giữa các bên và cuối cùng là đơn giản hóa thanh toán xuyên biên giới.